Tôi 32 tuổi, sống độc thân. Năm 25 tuổi tôi đã vội vã lập gia đình và có một cháu trai 7 tuổi.
Trong những năm sống với vợ, cuộc sống không hạnh phúc, mâu thuẫn nhiều thứ dẫn đến năm 2017 tôi ly hôn và con trai đang ở với tôi. Cách đây 8, 9 tháng tôi có quen một cô gái sinh năm 1994, chưa có gia đình, có yêu có thương, mới đầu tất cả những gì của nhau đều chấp nhận hết, kể cả quá khứ của em và ngược lại. Quen nhau một thời gian cũng có lúc buồn và nhiều lúc cũng vui vẻ lắm, tôi thương em và em cũng thương bố con tôi. Con tôi vui vẻ yêu thương em, hai cô cháu chơi rất vui.
Cách đây hơn một tháng, sinh nhật con tôi, mẹ cháu có về xin ông bà nội đón cháu đi chơi một hai ngày rồi đưa về đúng ngày sinh nhật để cả nhà tổ chức cho cháu. Hôm đó, cô gái tôi mới quen cũng mua bánh sinh nhật và đến chơi. Lúc mẹ đưa cháu về xong là đi luôn, cháu nhớ mẹ và khóc, cô bạn tôi quen cũng biết chuyện này. Biến cố xảy ra vài ngày sau đó. Từ hôm con tôi đi chơi về là không thích chơi với cô bạn tôi nữa, không hiểu tại sao dẫn đến việc em tủi thân. Em nói với tôi là không chịu được hoàn cảnh như vậy, không chịu được sau này lâu lâu mẹ cháu lại về thăm và cháu tránh xa em, không thích chơi với em nữa. Em yêu tôi nhiều, thương con tôi nhiều nhưng đã nói chia tay.
Tôi nghĩ hoàn cảnh mình như vậy khiến em khó chấp nhận nếu không có lòng vị tha và bao dung. Tôi cũng đồng ý chia tay dù không muốn một chút nào. Tôi chấp nhận đau khổ và buồn bã một thời gian. Dù chia tay nhưng cả hai vẫn quan tâm nhau, hiện tại tôi chưa quên được em và rất khó để quên. Mong chuyên gia tư vấn giúp, chúng tôi đối xử với nhau như vậy đúng hay sai? Ai là người ích kỷ, ai có lỗi trong chuyện này? Chân thành cảm ơn.
Kiên
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Bạn thân mến!
Câu chuyện bạn kể làm tôi cảm nhận được sự khó khăn với việc cân bằng trách nhiệm bản thân trong các mối quan hệ hiện tại, nhất là trách nhiệm với người yêu và con cái. Điều này cũng thể hiện rằng bạn là một người đàn ông biết tôn trọng và chăm lo cho những người mình yêu thương. Chắc hẳn khoảng thời gian vừa qua đã làm bạn hao tổn cả tinh thần cũng như sức lực. Bằng tất cả sự chân thành, tôi xin được chia sẻ phần nào gánh nặng bạn đang phải chịu khi cố gắng làm tròn trách nhiệm ở các mối quan hệ.
Để trả lời cho câu hỏi của bạn, tôi tin chắc bạn cũng nhận ra việc phân định đúng hay sai không thể giải quyết được vấn đề đang tồn tại trong mối quan hệ của bạn và người yêu, cũng như giúp cải thiện được sự kết nối giữa cô ấy và con của bạn. Thay vì vạch định đúng sai, sẽ hợp lý hơn nếu hai bạn có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu tình yêu có giúp người yêu bạn đủ sự nhẫn nại để chấp nhận và vượt qua những khó khăn có thể đến trong tương lai”? Nếu hai bạn có mong muốn tiếp tục mối quan hệ và có kế hoạch lâu dài, đây là câu hỏi cần thiết phải tìm câu trả lời lúc này.
Cô ấy yêu bạn và chấp nhận quá khứ của bạn, cô ấy chuẩn bị như thế nào để đối mặt với những điều sẽ xảy ra trong tương lai? Con của bạn thân thiết với mẹ ruột là điều dễ hiểu, đứa trẻ gặp mẹ cũng là điều sẽ xảy ra thường xuyên trong thời gian sắp tới. Để thiết lập một cuộc sống mới cho hai bạn sẽ mất nhiều thời gian, không thể là chuyện một sớm một chiều, cần có sự yêu thương và kiên nhẫn của hai bên, quan trọng nhất là đứa trẻ chấp thuận việc nhận sự quan tâm ở cả hai người mẹ. Một quá trình trò chuyện, chia sẻ thẳng thắn giữa hai người, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương có kế hoạch chi tiết sẽ giúp cô ấy dần hòa nhập vào gia đình bạn, cũng như để con bạn thích nghi với việc sẽ có một thành viên mới trong gia đình.
Hiện tại, đứa trẻ chỉ chấp nhận và cho phép nhận sự chăm sóc chỉ từ một người mẹ, điều này không hợp lý và cũng không chính xác. Con cần được học cách yêu thương, tôn trọng và nhận sự quan tâm từ những người khác. Cho dù giữa người lớn có khúc mắc, trẻ con không có lỗi và không nên bị kéo vào những mâu thuẫn đó. Thẳng thắn trò chuyện với trẻ cũng là một cách cần thiết để hiểu hơn về tâm lý của trẻ khi bố có người yêu mới và lý do vì sao con có những biểu hiện khác lạ sau khi đi chơi với mẹ đẻ. Trẻ thường rất nhạy cảm với phản ứng của người lớn, rất có thể việc mẹ vắng mặt trong khi bạn gái của bố hiện diện trong cuộc sống khiến trẻ cảm thấy không an toàn, hoặc trẻ muốn có được sự chú ý của bố nhiều hơn sau khi bố có mối quan tâm mới.
Rất nhiều lý do có thể xảy ra, hai bạn chỉ có thể biết được khi thẳng thắn chia sẻ, chuẩn bị tâm lý cho trẻ. Trẻ cần được cả bố lẫn mẹ đảm bảo rằng dù có điều gì xảy ra, con vẫn luôn được quan tâm và yêu thương bởi mọi người. Việc trẻ giận dỗi hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra, với nhiều lý do khác nhau, vậy hai bạn đủ kiên nhẫn đến đâu để có thể chấp nhận và giải quyết dần dần? Đây nên được xem là vấn đề để hai bạn cùng đưa ra kế hoạch giải quyết, thay vì là một dấu mốc hay lý do để chấm dứt mối quan hệ. Sẽ khó có thể đưa ra một giải pháp có khả năng giải quyết ngay lập tức tất cả những vấn đề hiện tại. Lựa chọn hoàn toàn nằm ở phía hai bạn, chúng không phụ thuộc vào sự ích kỷ hay đúng sai. Chỉ có tình yêu thương, sự nhẫn nại và tôn trọng mới có thể dần đem lại những thay đổi tích cực. Chúc bạn và người yêu sớm tìm ra được hướng đi phù hợp nhất với cuộc sống của mình và gia đình.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.