Bạn trai tôi không có người khác, cũng không phải hết yêu tôi. Phải chăng anh chỉ cần một tình yêu không ràng buộc hôn nhân?
Tôi có mối tình gần 10 năm, yêu từ khi là sinh viên, cùng trải qua nhiều sóng gió, hiện tại hai đứa vẫn bên nhau. Tôi luôn dành nhiều tình cảm để xây dựng tương lai chung của hai đứa, luôn muốn lên kế hoạch kết hôn và cũng thích có con.
Tuy nhiên, tôi cảm nhận bạn trai không còn tha thiết xây dựng gia đình nhỏ. Dù anh vẫn luôn cần tôi bên cạnh, cảm thấy trống trải mỗi khi giận nhau, mọi kế hoạch trong công việc, kiếm tiền vẫn chia sẻ cùng tôi (vì cả hai cùng kinh doanh), bên nhau cả ngày không chán, nhưng chưa bao giờ tôi nghe bạn trai lên kế hoạch kết hôn. Khi tôi đề cập, anh luôn tìm cách phớt lờ. Anh hào hứng chinh phục những đam mê, sở thích riêng, sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để thỏa đam mê nhưng tôi chưa từng thấy anh lên kế hoạch tài chính để xây dựng tương lai chung, tiết kiệm tiền làm đám cưới.
Không tạo cho người khác cảm giác ràng buộc và áp lực trong tình yêu, nhưng là phụ nữ, tuổi xuân có hạn, tôi không thể cứ yêu mà không biết tương lai sẽ ra sao. Đã đồng hành trên đoạn đường dài nhưng tôi vẫn không biết tương lai sẽ đi về đâu với một tình yêu không có định hướng thế này. Bạn trai tôi không có người khác, cũng không phải hết yêu tôi. Phải chăng anh chỉ cần một tình yêu không ràng buộc hôn nhân? Xin chuyên gia và mọi người hãy cho tôi lời khuyên nên làm thế nào, trao đổi gì với bạn trai để có hướng đi tốt nhất cho tình yêu và tương lai.
An
Chuyên gia tâm lý Vũ Huệ gợi ý:
Chào An,
Như chia sẻ, bạn trai bạn không tha thiết trong việc xây dựng gia đình nhỏ dù bạn cảm thấy anh ấy rất yêu bạn, cần bạn và ở bên nhau cả ngày không chán. Điều này làm bạn phiền lòng. Dù rất yêu bạn trai, nhưng bạn lại không muốn tạo cảm giác o ép, áp lực hay ràng buộc với anh ấy. Rõ ràng là bạn và bạn trai đang không đồng quan điểm.
Ngày nay rất nhiều bạn trẻ sợ cuộc sống hôn nhân: sợ hôn nhân sẽ là mồ chôn của tình yêu; sợ phải có trách nhiệm với con cái, vợ/chồng, gia đình hai bên; sợ bị ràng buộc; sợ chứng kiến cảnh chia tay sau hôn nhân; sợ không còn được là chính mình để theo đuổi đam mê, sở thích cũng như sự nghiệp… Điều này không đáng trách bởi lựa chọn là của mỗi người, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt cho xã hội.
Bạn cần ngồi lại với bạn trai, lắng nghe những suy nghĩ, mong muốn của anh ấy; bày tỏ những cảm xúc và mong muốn của mình, thử tìm hiểu xem giữa hai bạn có tiếng nói chung trong vấn đề này không. Đừng ngại hay nghĩ rằng việc chia sẻ này là bạn đang tạo ra áp lực trong tình yêu cho bạn trai. Bạn cũng cần nghĩ cho mình, cần chủ động trong lựa chọn. Hãy cân nhắc kỹ về tình yêu của hai bạn. Bạn cần một đám cưới chính thức, những đứa trẻ, có trách nhiệm với nhau hay cần một người tình như anh ấy, luôn yêu mình, bên mình, luôn cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nhau, vẫn thể hiện trách nhiệm trong tình yêu?
Lựa chọn nào cũng có mặt tốt và chưa tốt. Hãy liệt kê những ưu điểm và nhược điểm của từng lựa chọn, cân nhắc xem bạn có sẵn sàng đánh đổi không, có vững vàng chuẩn bị mọi điều cho từng lựa chọn đó không? Ví dụ, nếu lựa chọn mãi mãi chỉ là người tình, có thể bạn sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc được yêu nhưng nếu một ngày nào đó anh ấy có người khác, bạn sẽ không còn gì nữa, có thể cũng không có con, bạn có sẵn sàng tự tin bắt đầu lại từ đầu?… Ngược lại, nếu chọn kết hôn, bạn có thể kết hôn với anh ấy hoặc với người khác. Bạn có hối hận vì đã khiến bạn trai không còn được là chính mình; hoặc có hối hận nếu không cưới được người mình yêu?
Hãy suy nghĩ thật kỹ, đánh giá trước các lựa chọn xem bạn sẵn sàng chấp nhận, đánh đổi, vượt khó để đạt được mong muốn của mình không? Nếu bạn có sự chuẩn bị kỹ càng, thách thức suy nghĩ sẵn sàng vượt khó, thì dù lựa chọn thế nào cũng rất đáng trân trọng, quan trọng là bạn cảm thấy bằng lòng với lựa chọn của mình.
Chúc bạn sớm tìm ra con đường cho mình.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.