Dù sao thì mọi chuyện cũng trở nên đơn giản hơn nhiều khi mà con gái tôi đã bước sang tuổi 20, hoặc ít ra là do tôi nghĩ vậy. Bởi vì con bé không còn là một đứa trẻ vị thành niên nữa, nên chúng tôi không phải bàn bạc về chuyện chăm sóc hay trợ cấp cho con, tôi không phải chịu đựng việc anh ấy lui tới thăm nó, và cũng không phải cố tìm cách để giải thích một chuyện không tài nào giải thích nổi cho bọn trẻ con. Song, một điều khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm là mọi chuyện đến với con tôi sẽ đơn giản hơn nhiều ở lứa tuổi của nó. Nó đang học đại học xa nhà, nó đã là một người lớn, không phải đối mặt với những chuyện vặt vãnh khó chịu thường nhật ở nhà hay những rối loạn tình cảm khi cha mẹ nó chia tay nhau.
Tôi cố hết sức để đảm bảo nỗi đau riêng của mình không làm ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai cha con, tôi đã nói với hai cha con rằng kể từ thời khắc đó, mọi chuyện quan hệ giữa họ hoàn toàn không liên quan gì đến tôi và tôi sẽ không bận tâm đến chuyện can thiệp vào. Tôi đã cố gắng tỏ ra bình thường khi thấy số điện thoại của anh ấy có trong hóa đơn điện thoại của con gái tôi do trường nó gửi về, nhưng tôi cũng phải thú nhận rằng mình đã rất tức giận. Vào những lúc như vậy, tôi cố luyện cho mình sự vui vẻ và thanh thản và cố gắng kềm nén nỗi đau và cả cơn thịnh nộ.
Trong những năm kế tiếp, tôi lẳng lặng dõi theo từng bước đi của con gái, đôi khi tự hỏi cuộc hôn nhân tan vỡ của cha mẹ có ảnh hưởng gì đến nó hay không. Nhưng những gì tôi thấy được là sự mạnh mẽ, tính độc lập, sự tự tin, óc hài hước và niềm lạc quan yêu đời của con bé. Và cuối cùng là tôi tự chúc mừng mình vì đã giải quyết tốt mọi việc mà không làm tổn thương đến con gái.
Rồi chuyện đó xảy ra vào một buổi tối nhân dịp nghỉ Giáng sinh của con gái tôi và chỉ còn 6 tháng nữa là nó tốt nghiệp. Tối hôm đó, hai mẹ con ngồi bên bàn ăn trong căn hộ mới mua, con bé thú nhận với tôi rằng nó rất sợ buổi lễ tốt nghiệp sắp tới. Khi đó, con bé đã giúp tôi nhận ra một điều quan trọng là tất cả những cuộc hôn nhân tan vỡ của cha mẹ đều có ảnh hưởng ít nhiều đến con cái, cho dù nó bao nhiêu tuổi hay hoàn cảnh sống của nó có tốt đến thế nào đi chăng nữa.
“Gia đình của bạn bè con đều sẽ đến dự đông đủ, và trong suốt một tuần lễ sẽ có rất nhiều bữa tiệc chiêu đãi. Con rất buồn khi mỗi lần mẹ gặp cha hoặc nghe nói chuyện về cha là mẹ lại khóc. Con không thể bảo một trong hai người đừng đến vì hai người một người là cha còn người kia là mẹ của con. Điều đó khiến con chẳng muốn tốt nghiệp chút nào”.
Tôi cảm giác như mình vừa bị giáng một đòn thật đau và thật nặng.
Tôi tưởng như mình không thở nổi, nước mắt bắt đầu tuôn ra như suối. Tôi cảm thấy sững sờ, lòng đau nhói – sững sờ vì những giọt nước mắt đau thương của mình đã vô tình khắc sâu vào tâm hồn bé bỏng của con gái, còn đau lòng khi biết chỉ vì tôi mà con bé không muốn đón nhận một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của nó.
Tôi là vốn người nghĩ sao làm vậy nên tôi cố lấy hết sức để nói với con: “Mẹ biết, thật khó để nói ra điều này”, tôi dừng lại một lát rồi tiếp tục: “Còn sáu tháng nữa con mới tốt nghiệp. Cha mẹ chỉ có mình con và đều rất yêu thương con. Chúng ta không ai muốn buổi lễ tốt nghiệp hay bất cứ sự kiện quan trọng nào trong đời con sau này phải chịu ảnh hưởng vì chuyện của cha mẹ. Mẹ hứa mẹ sẽ không khóc nữa. Cha mẹ sẽ cố hết sức vì con”.
Và chúng tôi đã làm được như thế bằng tất cả sự nổ lực của cả hai, của gia đình, và cả bạn bè của chúng tôi nữa. Ngày lễ tốt nghiệp hôm đó nước mắt đã rơi, nhưng đó là của cả hai chúng tôi khi đứng nhìn con gái bước lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp. Khi đó tôi chợt nhận ra rằng lựa chọn của mình từ sau bữa ăn tối với con gái hôm đó thật là đáng giá. Bằng cách cố gắng nói chuyện thân mật với cha con bé, cùng nhau ăn tối, nói ra hết những suy nghĩ của mình, tôi đã trút đi được gánh nặng bấy lâu. Tôi nhận ra rằng, sự tha thứ đã len lỏi vào sâu trong trái tim tôi, và đã xóa đi mọi cơn giận dữ và cả những nỗi đau trong lòng.
Đó đúng là một bước ngoặt quan trọng – không chỉ riêng cho gia đình ba người của tôi – mà còn cho cả đại gia đình và tất cả bạn bè của chúng tôi nữa. Bây giờ chúng tôi lại tiếp tục bận rộn chuẩn bị cho một cột mốc quan trọng khác – đám cưới của con gái. Đến mùa thu này, tôi và chồng cũ lại một lần nữa ngồi cạnh bên nhau, lần này là trên hàng ghế đầu tiên trong nhà thờ, và có lẽ sẽ lại cùng nhau rơi nước mắt vì hạnh phúc của con gái mình.
Tôi còn nhớ có một cô giáo mà tôi rất quý đã nói với tôi rằng: “Sự tha thứ sẽ giúp ích cho người biết tha thứ nhiều hơn là cho người được tha thứ”. Và cô ấy đã rất đúng.