Cháu không có động lực sống

By 5 năm ago

Cháu không có ước mơ, cũng không ghen ghét với ai nên cuộc sống ảm đạm vô cùng.

Cháu 24 tuổi, sống tại Hà Nội. Từ nhỏ, cháu vốn ốm yếu nên cả gia đình nội, ngoại đều xúm vào chăm và chiều mọi việc theo ý cháu. Có lẽ vì là con út trong một gia đình được yêu thương, chiều chuộng như vậy nên cháu không có động lực làm bất cứ thứ gì. Nay cháu đã lớn, nhìn bạn bè bươn chải, đầy sức sống còn cháu thì cứ chui lủi trong nhà, sáng đi làm tối về xem phim, không có động lực hay ước mơ gì, rất chán đời.

Về bản thân, cháu tự thấy mình sống có chừng mực, hay cập nhật thông tin đa chiều để bàn luận với mọi người và biết để ý cảm xúc của người khác. Nhờ vậy mọi người luôn niềm nở bắt chuyện với cháu, dù cháu rất ngại ngùng và hiếm khi chủ động bắt chuyện với ai. Ngoại hình của cháu cũng xinh xắn và biết điều nên đi học, đi làm đều được mọi người để ý, tạo điều kiện. Hiện cháu đã đi làm với mức lương 7 triệu một tháng, cuộc sống khá an nhàn, không phải lo nghĩ gì do nhà cửa đã có. Cháu cũng tự trích lương ra mua đồ dùng vật dụng cho cả nhà, đóng tiền điện nước, chăm sóc cho mọi người từng bữa cơm chính tay cháu nấu… Dù gia đình nhiều lần khuyên không cần làm vậy. Nhưng cháu chẳng cảm thấy vui buồn, hạnh phúc, sân si gì. Cháu chỉ biết làm những việc cháu nghĩ mình nên làm.

Cháu không có ước mơ, cũng không ghen ghét với ai nên cuộc sống ảm đạm vô cùng. Cháu không có nhiều tiền nhưng luôn tâm niệm “Khéo gói thì no, khéo nằm co thì ấm”, vật chất không phải động lực cho cháu có sức sống. Tình yêu thì sao? Cháu cũng từng có rất nhiều chàng trai theo đuổi, trong số đó người nào cháu thích cũng thích lại cháu. Sau một thời gian cháu lại cảm thấy không thích bạn ấy nữa, hiện tại tận hưởng cuộc sống độc thân, không muốn yêu đương gì cả. Về phần bạn bè, cháu có hai người bạn thân thiết, một hội nhóm trên 10 người thân với nhau họp thường xuyên và các hội nhóm đồng nghiệp, lớp đại học…. Nhưng cháu lúc nào cũng thấy cô đơn, thoải mái hơn khi ở một mình.

Trước kia cháu từng rất có sức sống, rất tự tin vào bản thân. Từ sau khi bố mẹ ly dị, bố cháu tiến thêm bước nữa, chị cháu có người yêu…, cháu dần cảm thấy tình cảm gia đình phai nhạt. Cháu từng khóc rất nhiều và sau đó không cảm thấy gì nữa. Nghi hoặc bản thân bị trầm cảm, cháu cũng đọc rất nhiều sách, tập thể dục, ăn uống cân bằng, đi chơi…, thậm chí làm test trầm cảm nhưng không thấy gì bất thường cả. Cuộc sống cứ chầm chậm trôi, còn cháu như một ngọn núi lửa đã cháy tàn hết, không sao khởi động lại sức sống được nữa. Cháu còn rất trẻ, không muốn sống vật vờ như vậy một chút nào. Mong mọi người cho cháu lời khuyên, cháu xin cảm ơn thật nhiều. 

Ngọc

Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:

Thân gửi Ngọc – một cô gái trẻ dũng cảm,

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy có chút bất ngờ khi tôi cho rằng bạn là một cô gái dũng cảm. Bạn dũng cảm vì đã tự mình dám nói lên những bất ổn của mình để tìm sự trợ giúp. Và tôi tin rằng, ngọn núi lửa đã cháy tàn hết như bạn nói, đang âm ỉ cháy trở lại, bắt đầu bằng bức thư này, như một minh họa rõ ràng cho việc: Ngọc đang rất muốn được thoát ra khỏi tình cảnh “vật vờ”, “thiếu sức sống”, bước ra khỏi vòng tròn an toàn của bản thân để được sống đúng nghĩa. Cả bức thư của bạn đều toát lên được một điều rằng: bạn đang làm mọi cách có thể ở thời điểm hiện tại để cảm thấy khá hơn, thay vì chấp nhận bản thân luôn mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn hàng ngày.

Có lẽ việc từ bé có người thân bên cạnh hỗ trợ, nâng đỡ đã khiến Ngọc quen với việc luôn có người quan tâm, và sự nhiệt huyết, đầy sự sống khi xưa cũng bắt nguồn từ sự tự tin rằng bản thân luôn có nền tảng vững chắc và nguồn hỗ trợ tuyệt vời đến từ gia đình. Sự hứng thú với bạn bấy lâu nay đều đến từ những yếu tố bên ngoài, và bản thân bạn cũng đang đi tìm những thứ đến từ bên ngoài để thay đổi cảm xúc, đem lại sức sống cho chính mình. Bạn đi tìm ước mơ, cảm giác thích thú, động lực cho bản thân từ hoạt động bên ngoài, từ những người xung quanh. Chính vì việc mải mê tìm kiếm những thứ như vậy mà bạn quên mất một điều rằng: nếu bạn không có khả năng tự đem đến sự hứng thú cho chính mình, bạn sẽ luôn cảm thấy cô đơn, cho dù bên ngoài có nhiều kích thích mời gọi đến đâu. Ngọc cho rằng bản thân là người không có động lực, tuy nhiên nếu giờ bạn đọc lại chính lá thư của mình, bạn sẽ nhận ra những việc bạn đang làm: gửi thư tìm sự giúp đỡ, mong muốn tìm cách thoát khỏi trạng thái hiện tại,… đều có động lực đằng sau thúc đẩy, và động lực đó chính là: vì Ngọc. Động lực của bạn luôn nằm ở đó, có lẽ điều bạn thiếu là một phương pháp đúng để nhìn nhận nó và gây dựng lại sự thích thú cho chính mình.

Trạng thái tê liệt cảm xúc mà bạn trải qua được hiểu là một cơ chế tự nhiên của cơ thể để bảo vệ chính nó không bị ảnh hưởng bởi những đau buồn quá mức. Điều này có thể lý giải cho cảm giác mất hứng thú ở bạn khi yêu và đặc biệt là khi đối diện với gia đình – nơi bạn đã trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực ở cường độ mạnh. Để thay đổi điều này, suy nghĩ và hành động là hai yếu tố cần được làm mới phù hợp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, những thay đổi nên được bạn ưu tiên tập trung vào bản thân trước, thay vì đặt mình vào những mối quan hệ mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố đến từ bên ngoài mà bạn không thể kiểm soát. Ba bài tập dưới đây sẽ giúp khởi động lại những yếu tố tích cực trong cuộc sống của Ngọc:

– Đầu tiên, với những suy nghĩ thường ngày của bản thân. Việc bạn quá chú tâm vào sự thiếu sức sống của bản thân và cuộc sống nhàm chán, khiến bạn chỉ tập trung vào tất cả những biểu hiện dù là nhỏ nhất để chứng minh cho sự thiếu hứng thú của bản thân. Điều này lại càng khiến “lớp bảo vệ cảm xúc” của bạn càng dày thêm. Thói quen viết nhật ký là một phương thức hiệu quả để bạn “quan sát” những dòng suy nghĩ và điều chỉnh chúng. Đây sẽ là một cuốn nhật ký về những điều bạn hay nghĩ đến nhất trong ngày. Nhật ký nên được ghi lại theo dạng bảng với 5 cột: (1) Sự kiện; (2) Suy nghĩ tự động xảy đến với bạn khi trải qua sự kiện đó; (3) Ảnh hưởng của những suy nghĩ này đến cảm xúc bản thân (chán nản/thích thú/phấn khích/trống rỗng); (4) Đánh giá tính tích cực của suy nghĩ (theo thang điểm từ 1 – 10); (5) Nếu tình huống tương tự xảy ra, suy nghĩ nào khác để giúp tăng số điểm tích cực? Đây vừa là phương pháp giúp bạn quen với việc giải tỏa cảm xúc, vừa là cách hiệu quả để dần thay thế những suy nghĩ hiện tại bằng những suy nghĩ tích cực hơn.

– Thứ hai, các bài tập chú tâm cũng được khuyến khích để bạn thư giãn và tích cực hơn. Cụ thể, bạn dành ra 15 phút buổi sáng trước khi bắt đầu ngày mới, và 15 phút vào buổi tối trước khi đi ngủ, ở trong không gian riêng và tư thế thoải mái, hít thở đều, tập trung vào những điều đã và sắp mang lại cho bạn cảm giác dễ chịu trong ngày. Đó có thể là từ những điều rất nhỏ như: ăn một món ăn ngon, vừa miệng; nhấp một ngụm nước ấm sau khi tỉnh dậy; nhìn thấy đường phố sạch sẽ, thoáng đãng vào buổi sáng sớm,… Đây chính là tiền đề để bạn dần tìm được sự thích thú của mình trong cuộc sống thường ngày.

– Về những việc có thể khiến bạn cảm thấy hứng thú mà bạn vẫn đang tìm kiếm bấy lâu: những hoạt động mang lại niềm vui, tạo sự thoải mái không nhất thiết phải là một ước mơ to lớn. Ước mơ là kết quả được gây dựng từ những sở thích đời thường, vì vậy hãy bắt đầu cho mình bằng những điều bạn có thể tìm thấy dễ dàng nhưng giúp kích hoạt những cảm giác, cảm xúc mới. Cùng lúc đó, những hoạt động gây cảm giác chán nản, trì trệ và không có mục đích nên được giảm thiểu và thay thế dần bằng những hoạt động gây hứng thú. Hãy viết ra những hoạt động mà trước kia bạn từng có hứng thú, những điều bạn muốn làm từ rất lâu nhưng chưa có dịp để trải nghiệm, hay đơn giản là bạn muốn thay đổi điều gì trong chuỗi hoạt động lặp đi lặp lại hàng ngày (chẳng hạn: dành ra một ngày thay vì đi chợ, nấu cơm cho gia đình, bạn đi mua sắm để thay đổi một số nội thất trong phòng riêng: cây cảnh, vật trang trí; mua quần áo, sách,…. hoặc đi chân đất khi ở nhà thay vì đi dép trong nhà). Tất cả những thay đổi về hành vi này của bạn sẽ đều được ghi lại trong nhật ký cùng tác động của chúng lên cảm xúc, suy nghĩ của bạn.

Để những bài tập phát huy tác dụng hiệu quả, bạn nên có được sự trợ giúp của những người có chuyên môn như tham vấn viên về tâm lý, hoặc nhà trị liệu lâm sàng. Bên cạnh đó, kết quả bạn có trầm cảm hay không nên được kết luận bởi một bác sĩ có chuyên môn về tâm thần, vì quá trình chẩn đoán đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ đơn thuần một bài kiểm tra để đưa ra kết luận cuối cùng, nó đòi hỏi kỹ năng và kiến thức của người làm nghề chuyên nghiệp.

Mỗi người đều có những câu chuyện riêng, những nỗi đau riêng, thậm chí thời gian và cách thức chữa lành cũng khác nhau, không ai giống ai, vì vậy mọi so sánh bản thân với người khác sẽ luôn khập khiễng và chỉ làm tăng cảm giác nóng ruột, lo lắng. Tôi hy vọng rằng bạn có thể cho chính mình thêm nhiều kiên nhẫn và yêu thương, hy vọng rằng sự đủ đầy mà bạn có được trong tương lai sẽ là cảm nhận tuyệt vời do chính bạn mang lại cho bản thân. Chúc bạn sớm tìm thấy và sẵn sàng đón nhận những bình yên trong cuộc sống.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share