Chị gái tôi trước đây có cá tính hơi mạnh hơn bình thường. Chị đã trải qua 2 mối tình khá sâu đậm và rung động vài lần với những người đàn ông khác trước khi lập gia đình.
Hiện tại gia đình chị đã có 2 con ngoan ngoãn khỏe mạnh, có nhà ở thành phố và mức thu nhập khoảng 20 triệu/tháng đủ để chăm sóc gia đình. Khách quan mà nói chị có nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm. Chị vô tư, mau khóc nhưng dễ quên, chị cũng tình cảm và hay hỏi han quan tâm mọi người, đặc biệt cái tâm chị tốt, không làm hại ai được, chỉ có mỗi cái miệng là nói bô bô ra mà thôi. Chị là người chịu khó, chăm sóc con cái tươm tất và chi tiêu cũng tiết kiệm để xây dựng gia đình. Khi đã thích ai thì chị coi người đó như thần tượng, siêu nhân, không tì vết, còn không thích ai thì mọi thứ ở người đó luôn là cái gai trong mắt chị, chị quên đi những cái tốt của họ luôn.
Tính chị nóng nảy, hay cáu gắt, hay so sánh chê bai người khác, rất nhẹ dạ, ưa bề ngoài, quan trọng hình thức. Chị hay cằn nhằn, nói nhiều và đặc biệt tôi chưa từng gặp người nào cứng đầu như chị. Khi trái ý chị sẽ cố cãi cho bằng được, nếu ở thế không được chị sẽ khóc ngay. Dần dần mọi người cứ kệ tính chị và nhường, đôi lúc không muốn chấp để giữ hòa khí. Ai chơi với chị lâu chỉ có cách phải nhìn vào cái tâm của chị mà hiểu, còn để ý lời nói của chị thì rất khó chơi.
Anh rể sinh ra trong gia đình nghèo, rất chịu khó. Bố anh bị bệnh nên không tỉnh táo, anh trai rất gia trưởng nên chị gái tôi và nhà chồng không hợp nhau. Tính anh sống tình cảm và hết mình với mọi người trong gia đình. Anh hiểu chuyện, sống có chiều sâu hơn chị rất nhiều, có điều anh hay dỗi ra mặt và cũng rất nhanh xuề xòa. Ngoài công việc ở công ty anh còn kiếm việc làm thêm và phụ cả việc nhà. Tính anh quá thẳng thắn, thích thể hiện quan điểm cá nhân nên hay mất lòng người khác. Anh nói chuyện đôi lúc tôi thấy cũng thô, kém duyên. Có khi con nghịch ngợm anh sẵn sàng nổi nóng và đánh con trước đám đông. Anh không để ý bề ngoài, ăn mặc luộm thuộm, không ngăn nắp sạch sẽ và cũng thích tụ tập bạn bè nhậu cho vui, một hai lần mỗi tuần chứ cũng không nhậu bê tha.
Trước đây công việc của anh có thu nhập tốt, vợ chồng xây được nhà cửa và có cuộc sống rất ổn về vật chất và tinh thần. Anh tâm lý và chiều chị, còn chị cũng chăm sóc anh. Từ khi sinh 2 đứa con nên chị gần như ở nhà, vất vả để chăm sóc con cái, gia đình. Phần lớn tài sản có được bây giờ là do anh rể làm ra. Ba năm trở lại đây công việc của anh đi xuống do công ty làm ăn kém. Sẵn hai vợ chồng bản tính đều nóng nảy và hay nói những lời gây tổn thương lòng nhau, thu nhập lại giảm làm cuộc sống thêm ngột ngạt. Từ đó anh chị có những mâu thuẫn nhỏ to, rồi tăng dần.
Trớ trêu thay, khoảng hơn một năm gần đây chị tham gia vào cộng đồng của những người thuộc giới tính thứ ba, quen và yêu một cô gái trên đấy. Chị kể rất nhiều điều tốt về cô ấy một cách thần tượng hóa. Điều này tôi hiểu vì chị từng thần tượng hóa những anh người yêu trước như vậy mỗi khi chị kể ra. Giờ chị cứ khăng khăng nói chị đối xử với chồng tệ như vậy bởi không yêu, chị thuộc về giới tính khác và muốn ly hôn để sống thật với mình. Nếu trước đây chị kết hôn vì áp lực gia đình hay xã hội tôi sẽ không nói. Có điều tôi đã chứng kiến chị sống dở chết dở khi chia tay một vài người bạn trai cũ. Hồi mới cưới, hễ ai chọc ghẹo, chê anh rể là chị khóc, nổi khùng lên để bảo vệ chồng. Tôi chắc chắn đó là tình yêu chứ không phải như chị nói bây giờ. Tôi chấp nhận vấn đề tâm sinh lý có thể thay đổi do môi trường và hoàn cảnh sống tác động vào. Anh rể đang lo lắng và rối ren bởi thương 2 đứa nhỏ, chưa đành lòng đập đi những thứ mình đã xây dựng, rồi áp lực của xã hội và bố mẹ anh. Tôi hiểu anh vì thương con, không muốn xa con và lòng tự trọng của anh nhiều hơn là anh cần chị.
Chị nằng nặc gây áp lực với anh, yêu cầu ly hôn và anh phải chia đôi tài sản. Anh sợ chị bị lợi dụng và xúi giục nên không đồng ý. Anh chỉ đồng ý ly hôn với điều kiện tất cả tài sản phải để lại cho con khi chúng trưởng thành, vợ chồng tay trắng và có trách nhiệm chung trong vấn đề nuôi con. Điều tôi và cả nhà rất lo lắng bây giờ là vấn đề 2 đứa cháu. Công việc của chị không ổn định, mỗi tháng được 5-6 triệu làm sao nuôi và chăm sóc nổi các con. Từ những sự cố của anh chị gần đây, tôi đã chứng kiến được sự ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của những đứa trẻ cũng như học lực đi xuống rõ rệt. Nếu chị là một người thực sự bản lĩnh, chính kiến và hiểu biết để chăm sóc tụi nhỏ có lẽ cả nhà sẽ không lo lắng đến vậy, sẵn sàng để chị được hành động ngay.
Hơn năm qua, cả nhà đã phân tích, dỗ dành rất nhiều nhưng đều không có tác dụng. Khi nói chị sẽ phủ nhận ngay, không cho ai có cơ hội để nói. Việc ly hôn theo tôi như là một sự giải thoát cho anh rể nhiều hơn chị, vì chính tôi đôi lúc cũng thấy bất công cho những tình cảm, sự cố gắng, đóng góp anh dành cho chị và các con từ xưa đến nay. Đó cũng là lý do để cả nhà tôi yêu thương anh rể hết lòng. Thậm chí cái nhà hiện tại của anh chị cũng do anh bán đất của anh trước khi kết hôn để mua, tôi luôn thấy bất công cho anh khi phải chia đôi mọi thứ. Dù sao chị vẫn là chị gái của tôi, cháu vẫn là cháu tôi nên rất khó để biết phải làm sao.
Thời điểm này tôi muốn khuyên anh rể hãy ra đi, sống một cuộc sống ở nơi khác, không quan tâm vương vấn tới 3 mẹ con chị từ tình cảm, học tập của tụi nhỏ đến phụ cấp, để xem cuộc sống khắc nghiệt có làm chị hiểu được giá trị của gia đình, hiểu được anh, cũng như để xem những người bạn hiện tại có còn bên chị nữa không. Tôi không biết liệu còn phương án nào tốt hơn hay cách giải quyết nào phù hợp hơn không. Xin chuyên gia và các bạn cho tôi một vài lời khuyên.
Hoài
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Chào bạn Hoài!
Tôi thực sự cảm nhận được sự lo lắng của bạn qua những dòng thư. Bạn miêu tả rất cụ thể về chị gái, anh rể, về những gì đã xảy ra, điều này cho thấy sự nóng ruột, mong muốn tìm ra phương án giúp đỡ gia đình chị. Có thể giờ đây gia đình bạn vẫn muốn tìm đến một cách giải quyết êm đẹp ổn thỏa, công bằng nhất có thể cho cả ba bên: người chị gái, anh rể và các cháu. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, việc đáp ứng cả ba yếu tố này một cách hòa hợp là gần như bất khả thi, vì nhu cầu của mỗi bên khác nhau.
Bạn có chia sẻ rằng mình rất thương anh rể và muốn khuyên anh rể rời đi để chị gái hiểu được giá trị của gia đình mà nhận được bài học. Tuy nhiên, tôi mong bạn cùng gia đình suy xét lại kỹ càng. Gia đình chị gái bạn đã có hai cháu, việc bố của bọn trẻ bỏ đi, không quan tâm tới ba mẹ con về mọi mặt sẽ là một sự thiệt thòi, mất mát lớn với bọn trẻ. Tôi tha thiết mong gia đình mình sẽ luôn đặt các cháu lên hàng đầu khi suy xét vấn đề, xét cho cùng nếu hai vợ chồng chị gái đã không còn tình cảm với nhau, điều cần để tâm trước tiên chính là lợi ích của hai đứa trẻ.
Có lẽ giờ điều duy nhất còn níu kéo hai người ở lại với nhau là trách nhiệm với hai người con. Trên thực tế, việc tiếp tục sống cùng nhau dưới một mái nhà nhưng lại gây ảnh hưởng tiêu cực tới các con, điều này cho thấy đây không còn là phương thức đem lại lợi ích cho hai đứa trẻ. Với kinh nghiệm và quan điểm chuyên môn của mình, có một vài khuyến nghị mà tôi cho rằng sẽ phù hợp với gia đình chị gái bạn như sau: thay vì ly hôn ngay lập tức, hai vợ chồng có thể ly thân trong một thời gian nhất định, ví dụ 6 tháng. Đây có thể coi là khoảng thời gian tiền ly hôn, khi đó hai người sẽ lên kế hoạch nuôi dưỡng các con cụ thể. Chẳng hạn, nếu chị gái bạn chịu trách nhiệm nuôi cả hai cháu thì vợ chồng chị sẽ lên kế hoạch có hỗ trợ cả về kinh tế lẫn tinh thần cho các cháu như thế nào. Mức chi phí tối thiểu để nuôi cả hai cháu là bao nhiêu tiền một tháng? Anh rể và chị gái bạn mỗi người đóng góp bao nhiêu? Với công việc của chị gái hiện tại, chị sẽ làm gì để có đủ chi phí lo cho các con và bản thân (kiếm việc làm thêm, trông cậy vào gia đình)…
Đây cũng là khoảng thời gian thử nghiệm về khả năng thích ứng của bọn trẻ khi thay đổi môi trường sống, là yếu tố để vợ chồng suy xét, đi đến quyết định sau này. Chắc chắn các cháu sẽ có những thắc mắc, những câu hỏi đằng sau lý do của sự thay đổi. Với cùng một câu hỏi, hai vợ chồng nên thống nhất để có cùng một câu trả lời giống nhau, tránh gây hoang mang cho bọn trẻ. Vợ chồng chị sẽ chia sẻ công việc đưa đón các con đi học, đi chơi, thăm hỏi các con như thế nào trong một tuần để đảm bảo các cháu không sống cùng bố mẹ nhưng luôn nhận được sự quan tâm săn sóc từ cả hai người.
Đây có thể coi là bước thử cho cả gia đình khi không còn sống cùng nhau, cũng là cách để họ dần làm quen với cuộc sống mới. Sau khoảng thời gian ly thân trôi qua, hai vợ chồng cùng đi đến quyết định cuối cùng cũng chưa muộn. Tuy nhiên, tôi mong mỏi gia đình chị gái bạn trước khi đi đến bất cứ quyết định lớn nào, hãy trò chuyện với bọn trẻ, chuẩn bị sẵn tinh thần cho chúng. Hãy đảm bảo bọn trẻ hiểu rằng, việc bố mẹ không sống cùng nhau không ảnh hưởng đến tình cảm của dành cho các con, bố mẹ vẫn luôn bên cạnh quanh tâm các con. Gia đình bạn hoàn toàn có thể hỗ trợ gia đình chị gái để giai đoạn này diễn ra suôn sẻ nhất có thể, các cháu không bị ảnh hưởng quá lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Chúc cho bạn và gia đình cùng vượt qua những sóng gió hiện tại, tìm đến sự bình yên.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.