Vào bữa trưa hôm đó, lời qua tiếng lại, anh đứng phắt dậy, buông bát, lao đũa xuống bàn.
Tôi 57 tuổi, chồng hơn một tuổi. Chồng tôi không túm tụm cờ bạc, rượu chè; tính toán làm ăn, phải cái hơi tềnh toàng nên tôi hay nhắc nhở và hơi gia trưởng. Tôi gọn gàng và tằn tiện chi tiêu. Kinh tế gia đình tôi ở mức trung bình, song tôi an phận với cuộc sống. Anh nóng tính, hay to tiếng lấn át. Tôi nhường nhịn nhưng có lúc bực quá cũng đấu khẩu lại. Cách đây một tháng, tôi nhắc anh không để áo khoác lên ghế phòng khách. Anh cau mày khó chịu rồi to tiếng nói vợ khó tính, bảo “nhà tôi, tôi muốn làm gì thì làm”. Lúc đó vào bữa trưa, lời qua tiếng lại, anh đứng phắt dậy, buông bát, lao đũa xuống bàn. Bực thái độ của anh, tôi cũng nóng mắt cầm luôn đũa của anh quăng xuống nền nhà. Lúc sau anh bỏ đi.
Từ hôm đó anh ngủ riêng, ăn cơm quán, không nói một lời. Tôi không để bụng, hết bực là thôi, mấy lần nhắc con gọi ăn cơm, anh không ăn. Tôi chủ động nói anh ở nhà ăn cơm anh cũng không ở. Thỉnh thoảng tôi nói chuyện nhưng anh không trả lời, ai hỏi anh về tôi thì anh bảo gọi điện. Sau 10 ngày giận nhau, tôi thấy anh đi đứng thất thường, có hôm gần 12 giờ đêm mới về, việc này chưa từng xảy ra. Gần tuần nay, không biết anh tắm, thay quần áo ở đâu. Điện thoại trước đây để ở bàn, chỉ đi đâu mới cầm, giờ thì lúc nào anh cũng kề cạnh, kể cả đi tắm cũng mang theo. Tối điện thoại chuông mấy lần không nghe, rồi tin nhắn; anh lại còn hay đi ngủ sớm, mang theo cả điện thoại và kính. Tôi có cảm giác anh đang trả thù. Tôi muốn chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ coi như không, đôi khi cãi nhau là chuyện vặt, có gì nói xong là thôi. Con cái đi làm hết, có hai vợ chồng mà cứ như 2 pho tượng, tôi không biết tính sao. Mong chuyên gia và bạn đọc góp ý.
Dịu
Chuyên gia tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:
Gửi chị Dịu,
Có vẻ suy nghĩ của chồng chị và chị về tình huống mâu thuẫn, xung đột giữa hai vợ chồng trong bữa ăn không giống nhau. Chị nghĩ đơn giản, việc to thành nhỏ, việc nhỏ coi như không, từ đó giúp chị dễ dàng vượt qua mâu thuẫn đó. Còn chồng chị không dễ vượt qua. Việc anh ấy chủ động cách ly với chị và gia đình; ngừng tham gia vào một số hoạt động của gia đình như không ăn cơm với chị và con; không muốn chị cầm vào điện thoại của mình cho thấy anh ấy vẫn chưa vượt qua tình huống mâu thuẫn với chị.
Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chị gắn với tình huống vắt chiếc áo lên ghế. Khi anh ấy nói “nhà tôi, tôi muốn làm gì thì làm” liên quan đến việc khẳng định quyền quyết định trong gia đình. Có vẻ chị và chồng đang trong tình trạng đấu tranh với nhau để xem ai là người có tiếng nói quyết định trong gia đình. Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn ngầm giữa hai người.
Ở thời điểm hiện tại, anh chị nên nói chuyện với nhau về cuộc sống vợ chồng, cuộc sống gia đình, điều gì khiến anh chị cảm thấy vui và thoải mái nhất trong gia đình. Trong giao tiếp, nên tránh dùng những từ ngữ dễ dẫn đến sự leo thang mâu thuẫn và xung đột. Về vấn đề quyền lực trong gia đình, cả hai phải tự xem xét liệu mình có đang lấn át người kia không? Hoặc cả hai bàn bạc và cùng nhau đưa ra quyết định. Chúc anh chị sớm vượt qua tình huống mâu thuẫn này.
Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo email: tamsu@nhantim.com. Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.