Tôi sợ mình nhiều tuổi sinh con sẽ có biến chứng, nhưng nếu không sinh chồng nói sẽ ly dị.
Tôi 37 tuổi và có một bé gái 4 tuổi, vì lập gia đình muộn. Khi tôi mới sinh chồng rất vô tâm, phó mặc hết mọi thứ cho vợ. Thấy chồng đi làm vất vả nên tôi chịu được, không đòi hỏi gì. Có điều anh rất nghe lời mẹ, có hiếu một cách cực đoan, bất kỳ lời nào của mẹ anh đều cho là đúng và buộc tôi phải nhịn. Tôi bị mẹ chồng mắng chửi nhiều vì theo bà tôi không biết chăm con. Ở Bắc quan niệm con phải mập béo thì mới là mẹ đảm, trong khi con tôi chỉ đủ cân; bà bắt 2 mẹ con tôi nằm than sưởi khi trời lạnh nhưng tôi kiên quyết không đồng ý; hoặc bà thích mớm cơm cho cháu ăn, thích rung lắc khi cháu khóc; chồng hùa vào đòi mang con về quê cho bà nuôi, tôi phải rất căng thẳng mới giữ được con lại, còn rất nhiều nữa. Tôi bị mất sữa ngay tháng đầu vì mất ngủ, và hay nghĩ đến cái chết.
Chồng tôi lấy lý do con hay khóc đêm để dọn ra ngủ riêng, chúng tôi như hai nguời bạn ở chung nhà. Sau này tôi quyết vực dậy, gia đình cũng ổn hơn thì chồng đòi sinh thêm bé. Tôi không ngại sinh và chăm con nhưng vẫn bị ám ảnh lần đầu. Tôi sợ mình nhiều tuổi sinh sẽ có biến chứng, rồi con sống sao với người bố vô tâm như vậy, nhưng nếu không sinh anh nói sẽ ly dị. Bản thân tôi không sao vì công việc ổn định tại một ngân hàng có tiếng, tôi đủ khả năng nuôi con, dù có thêm bé nữa, nhưng mỗi lần thấy con quấn bố tôi lại xót xa. Tôi không biết liệu mình không sinh nữa có phải lựa chọn đúng không, vì thực lòng tôi khao khát có thêm con (chồng tôi không hề biết) và con tôi rất tình cảm, cháu muốn có em chơi cùng. Mong chuyên gia và mọi người cho tôi xin lời khuyên.
Ân
GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào bạn Ân,
Bệnh sợ sinh con thường xuất hiện ở những nước tiên tiến và vùng kinh tế phát triển do áp lực cuộc sống, mong muốn hưởng thụ, suy nghĩ quá kỹ hoặc sợ. Khi sinh đứa con đầu lòng có thể bạn đã không chuẩn bị kỹ và chưa biết cách ứng xử sao cho hài hòa. Bạn thấy chồng vất vả nên chịu được, không đòi hỏi gì, biết thông cảm cho người khác là một đức tính tốt. Nhưng bạn lại nói “chồng rất nghe lời mẹ, có hiếu một cách cực đoan, bất kỳ lời nào của mẹ anh đều cho là đúng và buộc tôi phải nhịn”, cho thấy bạn đang trách cứ chồng, đòi hỏi anh ấy phải theo ý mình. Vậy là trong lòng bạn đang có mâu thuẫn.
Chồng bạn có hiếu nhưng hơi cực đoan cũng còn hơn là người bất hiếu. Đây là điểm quan trọng để đặt nền móng trong ứng xử thì bạn lại muốn “phá bỏ”. Nếu bạn nghĩ theo hướng chồng mình thương mẹ và không muốn mọi chuyện phức tạp nên mới làm vậy thì sẽ không rơi vào trạng thái tâm lý phản vệ, tức là luôn nghĩ mình đúng hoặc xử lý không khéo léo.
Mẹ chồng bạn quê ở miền Bắc, phong tục có thể khác với miền Nam, nhưng ông bà ta đã có câu “nhập gia tùy tục”. Là con thì không nên chỉ huy cha mẹ, bạn có thể đề xuất ý kiến và giải thích để cha mẹ hiểu hơn về những quan niệm không có cơ sở khoa học, nếu cha mẹ vẫn chưa hiểu thì bạn hãy kiên trì và tế nhị hơn. Một người bác sĩ đi học 7 năm về, trong mấy ngày chê cả làng lạc hậu thì chẳng ai chấp nhận được. Thay đổi phong tục cũ là cả một quá trình dài, đôi lúc còn phải dùng đến biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ. Trước đây, bạn dùng ngay biện pháp mạnh với mẹ chồng là không nên, bởi chính bản thân bạn cũng đã chịu tổn thương là bị mất sữa. Khi đọc trong thư tôi nhận thấy bạn luôn cho là mình đúng, và vẫn chưa nhận ra thiếu sót của bản thân.
Hơi tiếc là bạn không kể rõ quá trình anh ấy quay lại lúc nào, thời điểm ấy 2 người có tâm lý ra sao, nên tôi không phân tích rõ thêm được tâm lý của chồng bạn.
Bây giờ bạn hãy sống thật lòng mình “thực lòng tôi khao khát có thêm con”. Còn nếu vì sợ mà không dám sống thật lòng thì có thể bạn sẽ hối tiếc về sau.
Chúc bạn có quyết định đúng đắn.
Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 – máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)