Cưới lần hai mà tôi vẫn không hạnh phúc

By 3 năm ago

Quê tôi ở một làng nghèo phía Bắc. Bố mẹ tôi đều làm nông nghiệp nên cuộc sống thơ ấu của anh chị em tôi rất khó khăn.

Tôi là con trai duy nhất trong 4 anh chị em. Thời sinh viên, do bố ốm nặng nên gia đình tôi lâm vào cảnh vô cùng khốn khó. Tôi phải vừa học vừa làm để lo cho bản thân, em gái học đại học và bố mẹ. Ra trường, tôi làm ở Hà Nội gần 3 năm trước khi quyết định Nam tiến. Công việc mới của tôi tương đối tốt và ổn định. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, tôi thường phải đi làm xa nhà 4 tuần, sau đó về nghỉ 2 hoặc 4 tuần tùy từng thời điểm và dự án. Vốn không thích ăn chơi, đua đòi, nhậu nhẹt, tôi khao khát một cuộc sống gia đình ổn định, cùng vợ và các con sum họp sau mỗi ca đi làm về. Vì vậy, tôi quyết định kết hôn sớm. Năm 2010, tôi kết hôn với một cô gái xinh xắn, dễ thương sau 3 tháng tìm hiểu. Khi chung sống, các cuộc cãi vã diễn ra hàng ngày, cuộc sống mệt mỏi, chúng tôi ly hôn nhanh chóng vì chưa có con.

Tôi quen người vợ hiện tại qua mẹ vợ. Tôi và bà đi cùng nhau trên một chuyến xe. Trên đường đi, hai mẹ con ngồi nói chuyện về cuộc sống, lúc đó bà rất quý mến và có thiện cảm với tôi. Sau khi xuống xe, bà xin số điện thoại của tôi và mời tôi tới nhà chơi. Bà nói có một con trai, một con gái, người con gái (vợ tôi hiện tại) bằng tuổi tôi và muốn tôi làm bạn với các con của bà. Sau khi biết cô ấy (vợ tôi) có tình cảm với mình, tôi không ngại chia sẻ quá khứ, nhưng thật ngạc nhiên em bình tĩnh và chấp nhận điều đó. Sau một thời gian hai bên gia đình qua lại, tìm hiểu về hoàn cảnh của nhau, chúng tôi quyết định cưới. Một đám cưới đàng hoàng được tổ chức vào cuối năm 2012. Những tháng đầu của cuộc sống hôn nhân thật êm ái, viên mãn.

Cưới xong, tôi mua lại căn hộ tập thể của bố mẹ vợ ở cho gần và thuận lợi cho việc đi làm, nhà cũ của tôi cho thuê. Sau 4 tháng, vợ tôi mang bầu, tới tháng thứ 5 cô ấy liên tục ra huyết và dọa sảy, leo cầu thang bộ 5 tầng sẽ rất nguy hiểm. Tôi quyết định bán nhà cũ, vay mượn thêm tiền mua căn nhà cấp 4. Khi vừa mua được nhà, vợ phải nằm viện 3 tháng để giữ thai cho tới khi sinh. Mẹ tôi ngoài Bắc vào chăm vợ tôi từ khi nằm viện. Tới tháng thứ 8 thì mổ cấp cứu, may thay cả hai mẹ con đều bình an.

Tuy nhiên, mâu thuẫn bắt đầu từ đây. Mẹ và vợ tôi luôn mâu thuẫn về việc chăm sóc bé. Vợ đọc báo rồi áp dụng một cách dập khuôn, luôn xét nét mẹ dù mẹ tôi chăm bé ăn ngủ rất đúng giờ. Có lần khi bé 3 tháng tuổi bị táo bón, cả tuần không đi vệ sinh được, bố mẹ tôi lo quá nên cho cháu uống chút nước đun sôi để nguội, vợ không đồng ý, giằng chiếc thìa ra khỏi tay mẹ tôi. Ông bà vô cùng sốc với hành động đó của cô ấy. Có những lời vợ nói với ông bà vô cùng thậm tệ. Trong bữa ăn, thậm chí cô ấy còn nói thẳng với ông bà rằng không muốn ông bà ở cùng vợ chồng tôi. Bố mẹ tôi buồn quá nên đặt vé về luôn ngày hôm sau. Khi mẹ ở cùng, bà thường chăm sóc con tôi, nấu ăn, dọn dẹp và giặt đồ cho cả nhà. 12 giờ trưa, vợ chồng tôi đi làm về, cơm bà đã nấu sẵn, con bà đã cho ăn xong và đi ngủ. Tuy nhiên, vợ tôi vẫn nói bà nấu sớm cơm không được nóng, không ngon… 8 năm chung sống, ngoài việc đi chợ nấu ăn và cho đồ vào máy giặt ra, những việc nhà khác như dọn dẹp nhà cửa, lau nhà tôi làm hết, chưa bao giờ cô ấy biết cầm chổi quét nhà, mua hộp kem đánh răng hay bánh xà bông tắm. Chưa năm nào sinh nhật tôi, cô ấy chúc mừng một câu hay tặng quà.

Chị gái thứ hai của tôi có chồng mất sớm khi hai đứa con còn nhỏ. Tôi thương chị, thường động viên chị cả vật chất lẫn tinh thần. Ông trời thương, chị chịu khó làm ăn, nhận làm thêm kế toán thuế cho nhiều doanh nghiệp, thức khuya dậy sớm, chị đã xây được một căn nhà khang trang. Vợ luôn sợ tôi giúp đỡ chị về kinh tế, lúc nào cũng nói bóng gió. Hiện nay hai con trai của chị đã lớn hơn, đứa học lớp 7, đứa học lớp 4. Tôi thương chị và cháu nên muốn đưa cháu lớn vào ở với tôi để có môi trường học tập tốt hơn và muốn nuôi cháu cho tới khi vào đại học. Tôi muốn trao đổi việc này với vợ trước khi nói với chị. Hôm đó hai vợ chồng đang ăn cơm vui vẻ, tôi lựa lời nói với cô ấy, không ngờ cô ấy phản ứng rất mạnh và không chấp nhận. Cô ấy nói nuôi một đứa con đã không nổi, không muốn nuôi thêm đứa nữa. Lúc đó tôi thực sự thất vọng vì hiểu vợ không hề có tình cảm, tình thương đối với những người thân của tôi. Chưa bao giờ sinh nhật các cháu tôi mà cô ấy hỏi thăm, dù là một lời chúc. Trong khi mỗi năm sinh nhật con tôi, các chị em tôi đều gửi đồ vào cho cháu.

Mỗi lần vợ chồng giận nhau, cô ấy thường không nấu ăn hay giặt đồ cho tôi. Cô ấy nấu cơm cho hai mẹ con, ăn xong còn thừa thì đổ đi. Trước khi cho quần áo vào máy giặt, cô ấy lọc đồ của tôi bỏ ra ngoài. Xin nói thêm, ngoài việc làm ở công ty ra, tối tôi còn đi dạy thêm từ 18 giờ đến 21h15 nên không có thời gian tự nấu ăn. Nhiều lúc dạy học xong, tôi chỉ ăn những thứ lặt vặt rồi tắm rửa đi ngủ. Lần nào cũng vậy, có khi giận nhau cả 1-2 tháng. Mệt mỏi, nhiều lúc tôi muốn dừng cuộc hôn nhân này lại, sống đơn thân. Tôi là người tình cảm, sống vì gia đình, chỉ biết đi làm kiếm tiền lo cho gia đình và người thân, không ăn chơi đua đòi. Hàng năm tôi hay dành thời gian đưa vợ con và mẹ vợ đi du lịch. Hầu như cuối tuần nào tôi cũng đưa vợ con đi chơi. Vậy mà vẫn chưa đủ. Tôi thấy cuộc sống thật mệt mỏi và ngột ngạt. Nếu ly hôn, tôi sợ không được gần con, tôi rất yêu thương con, không muốn xa cháu. Xin hỏi chuyên gia và mọi người tôi nên làm gì để mối quan hệ vợ chồng được cải thiện? 

Quân

Chuyên gia tâm lý Lê Thanh gợi ý:

Chào Quân,

Bạn có cuộc hôn nhân 8 năm với người vợ thứ hai mà theo bạn là không có tình cảm, tình thân với người thân của bạn; người vợ kém tinh tế, thiếu sự quan tâm, chăm sóc cho chồng. Đó là những điều chúng ta có thể dễ dàng thấy được qua những gì bạn kể. Tuy nhiên, trách vợ bạn một phần thì cũng phải xem xét vì sao bạn lại để tình trạng này kéo dài quá lâu như vậy? Tại sao một người đàn ông vốn sống tình cảm như bạn lại để mối quan hệ giữa vợ và các thành viên trong gia đình mình trở nên nặng nề như thế. Điều đó có một phần lỗi từ chính bạn – người đàn ông trong gia đình.

Cùng xem lại những vấn đề mà bạn nêu. Đầu tiên là chuyện giữa vợ và bố mẹ bạn. Bố mẹ bạn là người miền Bắc, đã lớn tuổi, còn vợ bạn là người miền Nam, cách nuôi dạy trẻ cùng lối sống, suy nghĩ giữa hai bên sẽ có sự khác biệt. Khi bạn nhờ ông bà lặn lội từ xa vào Nam chăm sóc vợ sinh nở và con nhỏ, bạn cần dự kiến sự lệch pha này. Hoặc ít nhất ngay khi nhận diện được vợ chưa cư xử đúng mực với bố mẹ, bạn cần kịp thời “uốn nắn”. Những điều vợ bạn thể hiện như: không cho trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi đang bú mẹ uống nước, hay ăn cơm nóng sốt mới ngon đều hợp lý. Cái sai của vợ bạn là cách cô ấy thể hiện sự thô lỗ, vô lễ với cha mẹ chồng.

Tiếp theo cô ấy phản ứng khi bạn muốn đưa cháu từ ngoài Bắc về nuôi dưỡng, cho ăn học. Tôi rất hiểu, bạn có điều kiện kinh tế hơn anh chị em ruột, bạn thương yêu và muốn bao bọc người thân yếu thế, khó khăn. Tuy nhiên, không biết những lần bạn giúp đỡ người nhà, bạn có bàn bạc hoặc nói trước với vợ không? Nếu bạn tự quyết, trong khi vợ hoàn toàn không biết, hoặc để cô ấy tự phát hiện, cô ấy sẽ bị tổn thương lòng tự trọng, cảm giác chồng không tôn trọng mình, dần dần cô ấy cho rằng, bạn đang lén lút giúp đỡ bên nội (mặc dù tiền bạc là bạn làm ra, người bạn cho tiền, giúp đỡ là anh em, con cháu ruột thịt của bạn). Ngược lại, nếu bạn đã bàn bạc với vợ nhưng cô ấy vẫn thể hiện không đồng ý, lúc này bạn cần khéo léo hơn để hài hòa.

Không phải người phụ nữ nào cũng dễ dàng chấp nhận khi gia đình có thêm một thành viên khác, đặc biệt đây còn là một đứa trẻ học lớp 7, đang bước vào giai đoạn dậy thì. Có thể bạn là đàn ông suy nghĩ đơn giản nhưng bạn cũng nên đặt mình vào vị trí của vợ để cân nhắc cả hai hướng. Bạn đi làm xa, thời gian không ở nhà liên tục, ngoài giờ còn dạy thêm, tối về muộn. Bạn hãy quan sát thực tế xem con mình đã thực sự ổn chưa trước khi muốn nuôi thêm một em bé khác.

Vợ chồng bạn ở xa nhà nội, có thể xa mặt cách lòng nhưng điều quan trọng bạn đã hướng dẫn vợ cách tôn trọng, quan tâm đến mọi người bên nội chưa? Có thể vợ bạn tự mặc định là người chỉ biết đến gia đình nhỏ, mặc định vì nhà chồng ở xa nên cô ấy không có tình cảm. Thêm nữa cô ấy không phải kiểu phụ nữ chăm chút, vun vén cho chồng, hoặc có thể do bạn quá cẩn thận, chi tiết. Bạn lo hết việc sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa, chỉ dành cho vợ mỗi việc nấu ăn và phơi đồ nên cô ấy mặc nhiên hiểu rằng, bạn làm được hết. Đó cũng chính là phần lỗi của bạn. Và lỗi lớn hơn là bạn đã kéo dài việc này, hình thành cho vợ thói quen và nếp suy nghĩ tự lo cho mình, trong khi nhà có hai vợ chồng. Như vậy, giữa hai bạn đang dần mất đi kết nối. Nếu sự kết nối ấy giống như dòng điện đang chập chờn thì làm sao đủ mạnh để lan tỏa và yêu thương được những người thân bên chồng.

Hãy thẳng thẳn nhìn vào phần lỗi của mình. Hai vợ chồng nên có cuộc nói chuyện rõ ràng, dứt khoát. Không thể tiếp diễn chuyện giận nhau 1-2 tháng, ai lo người nấy. Không thể có sự vô lễ, lạnh nhạt với ba mẹ chồng trong khi vợ vẫn muốn chồng phụng dưỡng, quan tâm nhà vợ. Đặc biệt là cần tìm hiểu rõ thực sự vợ bạn cần gì, muốn gì ở chồng. Bạn chu cấp tiền bạc đầy đủ, giúp vợ làm việc nhà, nhà cửa ổn định, giờ điều vợ bạn muốn là gì? Hãy lắng nghe cô ấy, cô ấy còn thực sự yêu chồng, muốn vun đắp gia đình nhỏ không, hay hiện tại vợ bạn cũng có những cơn sóng ngầm bất mãn về chồng?

Mẹ vợ bạn là bà mai giúp bạn có được gia đình nhỏ. Bạn có thể tâm sự và nhờ bà giúp đỡ. Những điều bạn nói ra là giúp chính mình, giúp vợ. Đặc biệt mẹ vợ bạn có thể trực tiếp góp ý, uốn nắn con gái trong cách ứng xử với chồng và nhà chồng.

Tôi cũng thêm một lời tâm sự với bạn. Dù bạn quảng đại, sống tình cảm nhưng là người đàn ông đã có gia đình, bạn vẫn nên hướng đến gia đình của mình trước tiên. Bạn thương quá nhiều, lo quá nhiều ở những nơi khác mà tình cảm gia đình chưa thực bền vững thì chính bạn đang mang lại rắc rối cho mình, cho cả những người mình muốn giúp đỡ.

Các cụ có câu “dạy vợ từ thưở còn thơ”, dạy ở đây không phải lấy sự áp đặt, vai vế của người đàn ông để khiến vợ tuân thủ, mà dạy là hướng dẫn, giúp đỡ để vợ hòa nhập với cách sống mới, môi trường mới ở gia đình chồng. Các bạn ở riêng, hàng ngày không sớm tối gặp mặt cha mẹ, nhưng ít nhất bạn cần tạo không gian, tình huống để vợ con và gia đình bên nội được trò chuyện, hỏi han. Nếu vợ bạn chưa làm được, bạn hoàn toàn có thể thay vợ, lấy tiếng cho vợ, dần dần để cô ấy thấy, bạn mong cô ấy hòa nhập với văn hóa, cách sống nhà mình thế nào. Đừng thấy ban đầu cô ấy chưa khéo, chưa tốt đã chán nản, bỏ cuộc. Đã là vợ chồng, ngoài tình yêu còn là đạo nghĩa, sự tôn trọng dành cho nhau. Mong bạn mạnh mẽ, bảo vệ tốt gia đình.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share