Giỏi hơn chồng nên tôi coi thường anh

By 5 năm ago

Vợ chồng tôi không khá giả, thu nhập bình thường, mỗi người gần 20 triệu/ tháng, ngoài ra tôi bán hàng online thêm, thu nhập bằng với lương.

Vì chưa có nhà cửa ổn định vả lại có con nhỏ nên tôi phải cố gắng nhiều. Có lẽ tôi tự thấy mình giỏi hơn chồng nên thực sự coi thường anh, coi thường cách anh vô tâm cứ mặc kệ tôi lao vào làm để kiếm tiền.

Tôi xinh, thông minh, quen được ca tụng, nổi bật từ hồi còn đi học. Chồng tôi hiền lành, ngoại hình đẹp và có bằng cấp. Chúng tôi nhìn bên ngoài rất đẹp đôi, quen qua mạng, tìm hiểu nhanh rồi cưới. Khi lấy nhau tôi cũng bị thúc ép và tư tưởng rất cổ hủ vì trót bị cưỡng ép quan hệ rồi nên lấy người khác sẽ không hạnh phúc. Tôi chấp nhận lấy anh dù lúc đó cũng thấy tính cách không hợp, có thể sẽ không hạnh phúc.

Rồi đúng như tôi nghĩ, sau cánh cửa hôn nhân của chúng tôi đúng là nấm mồ tình yêu như người ta thường nói. Tôi lãng mạn, hiền lành nhưng chồng khô khan và lạnh ngắt. Từ cô gái dịu dàng, tôi đã thay đổi. Tôi còn nhớ khi mới mang bầu, đi làm gần 40 km, quản lý cơ sở kinh doanh, về nhà mệt mỏi lại phải nấu ăn. Tôi ước gì chồng có thể hiểu, chí ít là động viên hoặc chỉ cần hỏi tôi có mệt không. Anh đi làm gần, lười biếng, bỏ mặc tôi với công việc, không làm việc nhà, không bao giờ thể hiện tình cảm yêu thương gì với tôi và chưa bao giờ chủ động việc cơm nước, nhà cửa.

Tôi bắt đầu stress, hò hét anh rửa bát. Chồng mặc kệ, tôi nhờ anh quản lý kinh doanh anh không làm được như tôi. Tôi ôm đồm quá nhiều thứ, mệt mỏi vì mất mát. Tôi lúc nào cũng nhanh nhẹn học hỏi kinh doanh, chồng tôi không. Tôi khuyên anh làm thêm cùng mà anh không chịu học. Tôi mắng anh vô trách nhiệm, không nghĩ và lo cho vợ con, anh cũng nói lại tôi không thua kém một lời, không nhường nhịn, yêu thương càng không có. Tôi biết mình không hạnh phúc, mệt mỏi, căng thẳng, cũng không biết chia sẻ cùng ai.

Bố mẹ bảo chồng tôi nghèo và lười biếng, mắng tôi không biết chọn chồng. Bạn bè nhìn vào tiếc cho tôi. Tôi không dám tâm sự cùng ai, sợ mọi người thương hại mình. Tôi cũng không cố tỏ ra hạnh phúc, chỉ biết chấp nhận.

Đỉnh điểm, hôm nay tôi hỏi anh không trả lời. Tôi tức giận nên tát anh, anh đã đánh tôi vào lưng bằng cả sức đàn ông, giờ tôi vẫn đau. Chúng tôi đều sai, tôi rất sợ tiếp tục sống thế này sẽ chẳng ai được hạnh phúc, chỉ làm khổ nhau. Tôi càng sợ ly hôn, sợ không thể nuôi dạy con gái tốt, sợ con thiệt thòi. Anh làm chồng chưa tốt nhưng vẫn là một ông bố tốt. Tôi phải làm sao đây? Tôi không biết nên ly hôn hay tiếp tục cuộc sống gia đình không hạnh phúc như bây giờ? Ai cũng có điểm xấu và tốt, vợ chồng tôi cũng vậy. Ngoài kia, có bao nhiêu cặp như chúng tôi?

Phương

Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:

Thân gửi bạn Phương!

Có lẽ đã rất lâu bạn mới có dịp trút hết bầu tâm sự nhiều như khi viết bức thư này. Tôi mừng rằng cuối cùng bạn đã tìm cách để giãi bày tất cả những nỗi lo lắng, sự bế tắc mà bạn đã giữ lâu nay. Câu chuyện của bạn là một chuỗi những sự kiện nhỏ nhưng dần tạo thành những vết nứt lớn trong chính bạn, cũng như trong quan hệ vợ chồng. Để đứng vững đến thời điểm này, cả bạn và chồng chắc hẳn đã chịu hao tổn rất nhiều về tinh thần. Mâu thuẫn gần đây nhất là một chỉ báo cực kỳ rõ nét, rằng cả hai đều cần đến một giải pháp thay đổi phù hợp.

Trong thư, bạn đề cập rất nhiều về hai chữ “hạnh phúc” như là lý do cho mọi cố gắng từ trước đến giờ, bạn cũng biết rõ cần làm điều gì để có được hạnh phúc của bản thân. Tuy nhiên, mọi quyết định của bạn lâu nay đều dựa trên những gì người bên ngoài cho là đúng, là phải: từ việc lấy chồng, cảm thấy áp lực vì cái nhìn của chính bố mẹ đẻ, đến việc không muốn chia sẻ với bạn bè… Việc quen được khen ngợi, thừa nhận từ bé đã vô tình tạo ra nỗi sợ rằng hình ảnh của bản thân sẽ xấu đi trong mắt mọi người.

Chắc hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng, mỗi lần quyết định đi theo đáp ứng mong muốn của người ngoài đều đem lại cho bạn những kết quả không mấy tích cực. Hạnh phúc đích thực xuất hiện khi một người cảm thấy “đúng” với mục tiêu, nhu cầu của họ, cho dù lúc đó họ có trải qua cảm giác tiêu cực hay tích cực. Chẳng hạn, thứ bạn mong muốn hướng đến là hạnh phúc của bản thân, vậy mọi điều bạn làm và cảm nhận sẽ hướng đến những giá trị: tình yêu, sự thấu hiểu, hy sinh, tin tưởng. Giá trị mà mỗi người hướng tới là khác nhau, chỉ có bạn mới có thể biết được như thế nào là “đúng”, là phù hợp với mong muốn của chính bạn chứ không ai khác. Liệu việc bị thúc ép bởi tư tưởng, suy nghĩ của người ngoài, quá chú tâm vào ánh nhìn của họ có là phù hợp? Đây chính là thời điểm để bạn tự đi tìm hạnh phúc theo cách đúng hơn, của riêng bạn.

Cuộc hôn nhân hiện tại khiến bạn cảm thấy không công bằng khi bản thân hy sinh quá nhiều điều nhưng không nhận lại được sự cố gắng, đồng hành, công nhận từ người chồng. Sự so sánh ngày càng tăng khi giữa hai bạn xảy ra nhiều hơn những mâu thuẫn nhưng ít đi sự thấu hiểu, yêu thương. Càng so sánh, bạn càng nhận ra khoảng cách giữa hai người càng rộng hơn, gây ra sự thất vọng lớn. Mâu thuẫn gần nhất bùng phát như giọt nước tràn ly, khi cảm xúc tiêu cực của cả hai bị tích tụ quá lâu, nay bị đẩy lên quá cao khiến hai bạn không kiểm soát được hành động.

Đây là một sự kiện cho thấy đã đến lúc cả hai cần có một quãng nghỉ, để bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo hơn. Nếu bạn chưa có kế hoạch cụ thể chuẩn bị cho sự ly hôn, vậy ly thân có thể là một lựa chọn an toàn. Đây là cách thử để “kiểm tra” độ thích ứng của cả hai vợ chồng khi xa nhau, của cả con gái bạn khi bố mẹ không sống cùng nhau. Sống xa nhau một khoảng thời gian cũng là cách để cả hai quyết định được liệu ly hôn hay tiếp tục ở với nhau sẽ là phù hợp.

Về phần con gái, bạn và chồng cần rõ ràng một điều: hôn nhân là chuyện của người lớn, đứa trẻ vẫn cần được đáp ứng đầy đủ quyền lợi của nó. Cụ thể hơn, bạn chia sẻ rằng chồng là một ông bố tốt, vậy điều này không nên bị thay đổi chỉ vì hai bạn không còn sống chung dưới một mái nhà. Trách nhiệm của một ông bố, bà mẹ vẫn luôn ở đó và cần được hoàn thành, cho dù đứa trẻ ở với ai trong hai người. Việc sống riêng có thể gây cho bạn nỗi sợ về việc không đủ tự tin nuôi dạy con gái tốt. Tuy nhiên, nếu muốn chăm lo và đem lại hạnh phúc cho đứa trẻ, bạn phải là một người phụ nữ hạnh phúc trước. Tình trạng tinh thần bất ổn nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ không thể giúp bạn đảm bảo chất lượng chăm sóc con gái.

Việc vội vã ly hôn mà chưa có chuẩn bị kỹ càng sẽ chỉ dẫn đến nhiều lo lắng, stress hơn khi cùng một lúc phải đối mặt với quá nhiều thay đổi, áp lực. Hãy dành cho mình thời gian để lên kế hoạch cho những quyết định tiếp theo của mình. Đây cũng là lúc bạn chú tâm nhiều hơn cho sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần:

Dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, làm bất cứ điều gì giúp bạn cảm thấy khá hơn, cho dù chỉ là những điều nho nhỏ như đi mua cho mình một món quà, như một sự khích lệ tinh thần mà bạn đã vô tình bỏ quên trong khoảng thời gian vừa rồi. Phương pháp này thậm chí có thể được sử dụng ngay cả khi bạn và chồng quyết định vẫn sống cùng. Cụ thể như sau:

Bạn và chồng sẽ có một hai ngày nghỉ trong tuần “ly thân tạm thời” để làm thứ mình thích. Việc giãn cách gặp nhau cũng là một phương pháp tốt để những căng thẳng thay vì bị dồn nén liên tục sẽ được giải tỏa bằng một phương thức khác phù hợp hơn với từng người.

Viết nhật ký: Giống như bức thư bạn gửi đến cho tòa soạn, nhật ký vừa là cách để bạn giải tỏa cảm xúc khi chưa tìm được người tâm sự, vừa để khi bình tĩnh hơn bạn có thể xem xét lại những gì đã trải qua.

Bài tập giúp thư giãn tinh thần nhanh chóng có thể được sử dụng khi cảm xúc bị đẩy lên quá cao, dễ dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát: nhanh chóng tìm một không gian riêng cho bản thân, hít thở sâu trong vòng 5 – 10 phút, tập trung nghĩ về những điều tích cực đã xảy ra hoặc nghĩ về những viễn cảnh trong tương lai khi bạn đạt được mong muốn của mình. Bài tập này cũng được khuyến khích sử dụng mỗi ngày trước khi đi ngủ, giúp bạn có được giấc ngủ ngon hơn. Tương lai chắc chắn sẽ cần ở bạn nhiều hơn sự nỗ lực, cố gắng để đạt được hạnh phúc.

Đi kèm với nó là nhiều khó khăn khác xảy đến, nhưng tôi hy vọng bạn luôn ghi nhớ rằng hạnh phúc sẽ do chính bạn quyết định. Bạn có nhiều giá trị tốt đẹp để gìn giữ, phát huy, cũng chỉ có bạn mới chính là người quyết định những giá trị đó còn hay mất. Vì vậy, tôi xin dừng bức thư dài tại đây, chúc bạn sẽ luôn vững vàng để đưa bản thân đến được với an yên, hạnh phúc.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share