Tôi có một con gái 14 tuổi. Gần đây con có nhiều biểu hiện lạ, nhiều chuyện hơn, “hóng hớt” hơn.
Trước đây tôi sinh non ở tuần 28, con chỉ được 1,4 kg, vất vả đủ đường, khổ không sao kể hết. Lớn lên con không tự đi được, chỉ dựa tường và đi. Chạy chữa đủ chỗ, nghe ở đâu có thầy hay, thuốc tốt tôi đều mang con đến, chỉ mong con có đôi chân lành lặn, đi lại như bạn bè. Bao nhiêu lần cùng con từ Bắc vào Nam nhưng chỉ cải thiện được chút ít. Hiện nay, có thể nói là khuyết tật, con đi được nhưng khập khiễng, đi không xa và phải dựa vào tường. Ngoại trừ khiếm khuyết ở đôi chân, mọi thứ đều bình thường.
Trước giờ, con rất hay để ý, trí nhớ tốt nhưng gần đây con có nhiều biểu hiện lạ, nhiều chuyện hơn, “hóng hớt” hơn. Khi người lớn ngồi nói chuyện, dù vô tình hay cố ý nghe thấy, con đều rất để ý. Sau đó con đi kể lại cho người này, người kia về những điều nghe được, cho thêm chút cảm nhận vào, thậm chí là việc không có cũng nói thành có, cứ “Mẹ nói…; Ba nói…”. Chuyện này làm đảo lộn cuộc sống gia đình tôi, gây chia rẽ anh em, hàng xóm, thông gia.
Thấy con đi khó khăn, vợ chồng tôi tính là khi nào con lớn, sẽ mở quán trước nhà cho con bán. Vậy mà hôm rồi con nói rằng nghĩ sao con thế này mà đi bán quán, chôn vùi cuộc đời ở quán; con không muốn sống với ba mẹ vì không thoải mái; con muốn tự do, tự lập, tự nuôi mình. Con còn nói học xong lớp 9, có bằng rồi sẽ không cần ai cả. Ngày hôm sau, con mang balô bỏ đi, đi được 200 m mà té ngã 3 lần, tôi thấy mà ứa nước mắt. Ba về con không xin lỗi, mà đánh con xong rồi đâu lại vào đó, kiểu không sợ gì, nói gì cũng cãi lại.
Nhờ chuyên gia và mọi người tư vấn cho tôi cách dạy con, nói để con nghe và hiểu, đừng quan tâm đến việc của người lớn, trị được tật bướng bỉnh, không nghe lời, nhiều ý nghĩ tiêu cực.
Hoài
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Chào chị Hoài,
Con gái chị đang ở tuổi dậy thì, một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở giai đoạn này, con bắt đầu có nhìn nhận khác biệt về bản thân và các mối quan hệ trong cuộc sống. Như hầu hết các bạn ở cùng độ tuổi, con bắt đầu tìm và khẳng định giá trị, vai trò của mình, thích được nhìn nhận như một người lớn thực thụ. Bé sẽ bắt đầu chú ý đến và có xu hướng tham gia vào các vấn đề nảy sinh xung quanh, trong đó gần gũi nhất là những câu chuyện xảy ra trong gia đình mình. Việc nghe và có những hành động để làm nổi bật sự hiện diện của bản thân là một cách bé thể hiện giờ mình cũng có chính kiến riêng và vai trò quan trọng trong gia đình.
Tuy nhiên, vì đây là độ tuổi các bé mới “tập” thành người lớn, nên những hành động đó vẫn còn non nớt và trẻ con. Bé chưa lường trước được kết quả đằng sau hành động của mình, cũng như chưa đánh giá được những thông tin mình nói ra và thể hiện có thực sự đúng như bé nghĩ không. Điều này đòi hỏi bố mẹ cần có sự xác nhận về những gì bé nghe thấy và hiểu. Tuy nhiên không nên yêu cầu con không được quan tâm đến chuyện trong gia đình, vì bé sẽ có cảm giác bị gạt ra và không được bố mẹ thừa nhận. Điều này dẫn đến việc bé có phản ứng tiêu cực như: cãi lại, vùng vằng với bố mẹ và tiếp tục đi kể chuyện cho mọi người để chứng minh sự tồn tại cũng như sự quan trọng của mình.
14 tuổi là độ tuổi bé bắt đầu dần cảm thấy mình độc lập với gia đình và có khả năng tự quyết định cuộc sống của bản thân. Theo Tạp chí Tuổi vị thành niên (Adolescent Research Review) của Thụy Sĩ, những trẻ gặp phải khiếm khuyết về mặt cơ thể thường gặp một số trở ngại trong thời kì dậy thì. Cụ thể, các bé đều mong muốn có được những trải nghiệm, cơ hội giống bạn đồng trang lứa, nhưng thường chậm hơn các bạn. Điều này khiến bé bắt đầu có nhiều so sánh giữa bạn và mình. Bé đặc biệt để tâm đến những đánh giá, nhận xét của người xung quanh về mình, nhất là nhóm bạn bè ở trường lớp mà bé gặp gỡ hàng ngày. Khiếm khuyết về cơ thể không phải là điều quyết định cuộc sống sau này của bé, nhưng ở độ tuổi này, nó lại tác động rất lớn đến tâm lý của bé, thúc đấy xu hướng muốn khẳng định mình mạnh mẽ, không hề thua kém các bạn.
Bé muốn được thừa nhận nỗ lực của bản thân, được sống một cách độc lập mà không dựa dẫm vào ai. Vì vậy bằng những câu nói, hành động quyết liệt và có phần nông nổi, bé có những phản ứng gay gắt với bố mẹ, thể hiện rằng bé sẽ tự chứng minh được vai trò của mình trong bất cứ việc gì mà không cần ai giúp đỡ, từ việc nhỏ nhất như đi lại đến nghề nghiệp tương lai sau này. Đây như một cách để bé phủ định những khiếm khuyết của mình. Bé rất muốn trở thành người trưởng thành nhưng lại chưa đủ chín chắn, kiến thức và trải nghiệm dẫn đến những tình huống khó xử. Vì vậy, ở thời điểm nhạy cảm này, bé rất cần có sự giúp đỡ của bố mẹ, để vượt qua khoảng thời gian này một cách an toàn và trưởng thành theo cách có lợi cho bé nhất.
Với bé, hai điều quan trọng nhất luôn cần ở bố mẹ chính là: chấp nhận và kiên nhẫn. Đầu tiên, anh chị cần nhận ra ý muốn độc lập của bé và chấp nhận rằng bé đã lớn và cần được nhìn nhận như một thành viên quan trọng trong gia đình. Điều này khiến con cảm thấy được tôn trọng và ủng hộ để học cách dần bước ra khỏi vòng tay của bố mẹ, xây dựng cuộc sống riêng. Bên cạnh đó, kiên nhẫn với bé vì bé đang trong giai đoạn phát triển quan trọng nhưng cũng rất nhạy cảm. Sẽ là vội vã nếu muốn bé ngay lập tức trưởng thành, luôn ứng xử đúng với mọi chuyện, vì giờ bé chưa đủ khả năng làm được điều đó. Những vấp ngã ban đầu là cần thiết để bé học hỏi và rút kinh nghiệm. Bé sẽ rất cần bố mẹ lắng nghe và tìm hiểu cách bé suy nghĩ về những chuyện xảy ra trong gia đình, về mong muốn của con trong tương lai và những điều bố mẹ có thể hỗ trợ con sẽ là phương án để gần gũi hơn với con.
Với những tình huống chị chia sẻ, sự chấp nhận và kiên nhẫn sẽ được thể hiện vào mỗi khi anh chị nói chuyện trước mặt bé, sau đó chắc chắn rằng bé hiểu đúng, hiểu đủ vấn đề, cũng như để bé cảm thấy mình là một phần của gia đình. Bố mẹ có thể hỏi suy nghĩ của con về tình huống đó và phân tích, giải thích cho con để chắc rằng bé hiểu rõ vấn đề và biết điều gì nên nói và không nên nói. Điều này sẽ tạo cho bé cảm giác được người lớn tin tưởng và bố mẹ là nơi bé tìm đến để hỏi ý kiến mỗi khi có thắc mắc. Tương tự có thể áp dụng với việc bố mẹ chuẩn bị sẵn cho bé quán ở trước nhà. Anh chị nên cho bé biết rằng đây chỉ là một trong những phương án mà bé có thể lựa chọn, và bé hoàn toàn có quyền tự quyết định mình làm gì khi lớn lên. Con sẽ cảm nhận rằng bố mẹ tôn trọng mình, những gì bố mẹ làm đều vì yêu thương, lo lắng cho mình nhưng không hề mang tính bắt buộc hay gò bó.
Một đứa trẻ hạnh phúc là đứa trẻ được nuôi dưỡng để tìm ra vai trò của mình trong cuộc sống và hài lòng với nó. Để tìm được, đứa trẻ buộc phải trải qua nhiều lựa chọn trước đó để tích lũy kinh nghiệm và tìm ra đâu mới đúng là thứ dành cho mình. Bố mẹ sẽ là bệ đỡ vững chắc cho con giúp bé luôn cảm thấy được tin tưởng để tự bước trên con đường mình chọn. Con sẽ cảm thấy an toàn vì biết luôn có bố mẹ ở đằng sau nâng đỡ, bảo vệ và luôn là nơi để con tìm về. Chúc gia đình chị luôn đầy ắp tình yêu thương và hạnh phúc.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.