Ngày nhỏ hay bị đánh mắng, tôi trầm cảm 10 năm

By 3 năm ago

Tôi được sinh ra trong gia đình khá giả nhưng thần kinh yếu mà phải sống với người cha nóng tính.

Cha tôi khắt khe, chỉ cần ăn mà không thấy đủ vị ngon là đi nêm lại, chân lỡ đạp cát chút xíu là đi rửa. Mọi người thường bị ông mắng chửi vì những lỗi lầm nhỏ nhặt. Chuyện gì trong gia đình, ông cũng muốn biết. Chỉ cần ông thấy ai hơi buồn là vặn vẹo hỏi cho bằng được.

Ngày nhỏ, tôi từng bị ba đánh mắng thành ra lúc nào cũng tự ti, nghĩ mình là người vô dụng. Tôi bị trầm cảm từ nhỏ nhưng gia đình không nhận ra, chỉ nghĩ đó là tính cách của tôi nên không đưa đi khám. Đến khi bệnh nặng là lúc tôi mang thai em bé, đầu óc lơ mơ, quên trước quên sau và xuất hiện các ảo giác. Tôi bị các ảo giác rất kinh khủng, ví dụ như: con gái bị chết, chồng ngoại tình, có lúc tôi nghĩ hôn nhân của mình tan vỡ vì vợ chồng không hòa hợp và sức khỏe của tôi không tốt nên không chăm lo được cho gia đình.

Tôi bệnh đã 10 năm, ngày nào cũng phải uống thuốc. Nếu không có thuốc, tôi không làm việc được, đầu óc chẳng thể tập trung và mất ngủ. Muốn sinh thêm bé nữa nhưng tôi sợ căn bệnh tái phát sẽ không ai chăm con. Tôi đã tìm hiểu và biết rằng trầm cảm cũng là bệnh mạn tính. Luôn mong muốn chữa được dứt bệnh nhưng tôi đã gặp nhiều thầy mà vẫn không khỏi. Mong chuyên gia và mọi người cho tôi lời khuyên.

Chuyên gia tâm lý Vũ Huệ gợi ý:

Hà thân mến,

Gia đình là tổ ấm yêu thương – nơi mà mỗi người muốn nương tựa và thấy ấm ấp khi nghĩ về nó. Trong gia đình, mỗi thành viên có cách thể hiện tình yêu thương khác nhau: có người thể hiện bằng các cử chỉ ôm ấp vuốt ve; có người thích dành thời gian cho những người mình yêu thương; có người là sự quan tâm; có người thích dùng lời nói… Khi không có sự hòa hợp trong cách thể hiện tình yêu thương sẽ khiến người nhận không nhận được đúng ý nghĩa như người cho mong muốn. Tôi cảm thấy được điều này trong gia đình bạn.

Bạn cảm thấy không nhận được đủ tình yêu thương từ cha mình, ông quá khắt khe, nóng tính, mắng chửi vì những điều nhỏ nhặt nhất, vặn vẹo hỏi bằng được mỗi khi ai đó có chuyện buồn. Nếu nhìn theo cách khác đi, bạn có thể có cảm nhận khác. Cha bạn khắt khe với bạn và các thành viên trong gia đình nhằm mục đích gì? Dân gian có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, các thế hệ của cha mẹ chúng ta thấm nhuần điều này trong việc nuôi dạy con cái. Họ luôn cho rằng nếu không uốn nắn từ nhỏ, con cái sẽ không thể trưởng thành, trước đây họ cũng được ông bà giáo dục như vậy. Ngày nay quan điểm giáo dục mới, xã hội mới khi quyền con người, quyền trẻ em được đề cao, chúng ta thấy quan niệm “thương cho roi cho vọt” là phương pháp dạy con chưa tốt. Nhưng khoảng hơn 10 năm về trước, liệu cha bạn có biết điều này?

Ngày nhỏ, bạn từng bị cha đánh mắng nên luôn cảm thấy tự ti và vô dụng, suy nghĩ này còn tồn tại trong bạn không? Nếu tồn tại, bạn hãy tìm cách loại bỏ nó. Hãy tin rằng ai cũng có những điểm mạnh và điểm yếu, không ai là hoàn hảo cả. Bạn cũng vậy, bạn cũng có rất nhiều điều mạnh, điểm đáng yêu để chồng bạn muốn cưới bạn, để con bạn luôn yêu bạn. Cha bạn cũng vậy, điều bạn yêu nhất ở ông là gì? Hãy cởi bỏ những điều ngày hôm qua làm cho bạn không vui để đón nhận những tia nắng bình minh ấm ấp của ngày mới, những điều tốt đẹp.

Bạn chia sẻ về tình trạng trầm cảm hiện tại, xuất hiện nhiều trong quá trình mang thai và sau sinh – đây là tình trạng gặp ở rất nhiều phụ nữ sau sinh. Tôi không biết bạn đang sử dụng thuốc gì mà ngày nào cũng phải dùng, liệu đó có phải là lạm dụng thuốc? Hãy sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhất. Ngoài ra một số cách sau có thể giúp bạn thư giãn, cải thiện được tình trạng hiện tại:

(1) Lập kế hoạch cho các công việc hàng ngày của bạn. Trầm cảm có thể khiến bạn chán nản và không muốn làm gì và điều này làm đảo lộn cuộc sống của bạn. Nếu để trầm cảm kiểm soát bạn một ngày thì nó sẽ tiếp tục kiểm soát bạn những ngày tiếp theo.

(2) Đặt cho mình những mục tiêu nho nhỏ mỗi ngày, bạn sẽ nhận được niềm vui khi hoàn thành nó. Chú ý, đó là mục tiêu nhỏ và có thể thực hiện được. Sau đó bạn có thể tăng dần các thử thách, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái và thấy mình có ý nghĩa.

(3) Luyện tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ, duy trì lối sống lành mạnh tránh để tình trạng mất ngủ xảy ra.

(4) Tăng cường các kết nối xã hội với những người xung quanh, các hoạt động xã hội.

Nếu cảm giác của bạn không tốt hơn, hãy tìm gặp các chuyên gia tham vấn tâm lý uy tín để tháo gỡ những khó khăn trong suy nghĩ của bạn.

Lưu ý khi bạn tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với liệu pháp tâm lý của các chuyên gia tâm lý trong việc điều trị bệnh, bệnh của bạn có thể chữa khỏi, nhưng hoàn toàn có thể tái phát nếu bạn không duy trì sức khỏe tinh thần lành mạnh sau đó.

Chúc bạn sớm tìm được cảm giác cân bằng.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share