Sau sinh, tôi định tự chăm con

By 4 năm ago

Tôi đang bầu bé đầu ở tháng thứ 6, đi làm cách nhà ngoại 60 km, nhà nội 200 km.

Tôi dự định khi sinh con sẽ về nhà ngoại ở cho gần. Nhà ngoại có điều hòa mát mẻ hơn, nhà nội không có. Nhưng hôm qua, mẹ đẻ tôi nói khi nào sinh, đón bà nội lên chăm sóc, một mình mẹ tôi không chăm được.

Tôi không muốn phiền hà mẹ chồng, vì từ khi quen đến khi lấy chồng, tôi chỉ về nhà chồng chưa tới 10 lần. Tôi và mẹ chồng chỉ bình thường, không thân thiết lắm. Tôi nói với mẹ đẻ rằng: “Con tự chăm bé được, chỉ nhờ mẹ nấu ăn cho con thôi”. Tôi biết sinh con ra thì phải tự lực, ông bà nội ngoại giúp được thì tốt, không thì cũng không được trách. Nhưng tôi vẫn buồn và đã khóc mà không để ai thấy. Bố mẹ tôi vốn rất thương con, không bao giờ đòi hỏi gì ở con cái, còn cho vợ chồng tôi tiền mua đất, giờ ông bà có tuổi, sức khỏe kém hơn.

Hiện tại vợ chồng tôi vẫn thuê trọ. Nếu ở nhà ngoại, hàng tuần chồng tôi tiện về thăm hai mẹ con hơn. Nhưng giờ mẹ nói vậy, tôi tính thuê nhà rộng hơn, lắp thêm điều hòa, sẽ không về nội ngoại sinh con nữa, hai vợ chồng cố gắng tự lực.

Thu nhập của vợ chồng tôi tầm 15 triệu, tiết kiệm được 5-6 triệu mỗi tháng. Có bé chắc chắn sẽ tốn kém nhiều hơn. Chúng tôi đã tiết kiệm được một khoản cho việc sinh con nên kinh tế cũng không quá khó khăn. Tôi dự định đến Tết, bé được tầm 6 tháng, cứng cáp hơn sẽ đưa về ông bà hai bên chơi. Tôi làm như vậy có ổn không? Rất mong chuyên gia và quý độc giả tư vấn. Tôi cảm ơn.

Hằng

Chuyên gia tâm lý Lê Thanh gợi ý:

Chào Hằng,

Qua thư, tôi cảm nhận bạn là người phụ nữ biết lo xa, vun vén cho gia đình và có hơi cả nghĩ. Bạn có chút nhạy cảm, tủi thân, có lẽ do bạn đang mang thai nên tâm tư, tình cảm dễ xúc động.

Trước hết, nói về quyết định của mẹ đẻ bạn, bà đã thẳng thắn khuyên bạn nên đón bà nội (mẹ chồng) lên để cùng trông con, chứ bà không từ chối việc chăm sóc mẹ con bạn. Rõ ràng, với một người tuổi đã cao, sức khỏe yếu, bà khó lòng thức đêm chăm cháu nhỏ. Chưa kể đã rất lâu, bà không còn quen với việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, việc khuyên bạn đón bà nội lên chăm cháu là sự tôn trọng thông gia, cũng là cách dạy bạn trong việc hướng về nhà chồng. Bạn hãy cởi mở trong suy nghĩ để hiểu mẹ mình hơn. Tôi tin rằng, bố mẹ bạn vẫn luôn yêu thương, hỗ trợ vợ chồng bạn mọi mặt trong điều kiện có thể. Vì vậy, đừng tủi thân, suy nghĩ và khóc đêm nữa, điều đó không tốt cho sức khỏe của thai nhi.

Bạn có thể bàn bạc và thống nhất cùng chồng về việc thuê một căn nhà rộng rãi, thoáng mát hơn, đảm bảo an ninh phù hợp với gia đình có trẻ nhỏ. Đang ở nhà thuê lại thêm có con nhỏ, việc thay đổi nơi ở chỉ là sớm muộn. Hơn nữa ở nhà mình bạn sẽ thoải mái hơn, chồng được gần vợ con, có trách nhiệm chăm sóc con nhỏ cùng vợ.

Trong thời gian ở cữ 1-3 tháng, bạn có thể nhờ mẹ đẻ và mẹ chồng thay phiên nhau lên chăm sóc, trông nom. Giúp đỡ con cái, đặc biệt là khi con trở dạ, sinh nở là niềm vui và hạnh phúc của người làm mẹ, dù đó là mẹ chồng hay mẹ đẻ. Bạn không nên giữ suy nghĩ vì mình ít giao tiếp, gần gũi mẹ chồng nên ngại nhờ bà. Bởi cách nghĩ đó sẽ khiến mối quan hệ giữa bạn và mẹ chồng càng xa. Vợ chồng bạn cần khéo léo thu xếp để các bà đều được gặp mặt con cháu trong ngày bạn lâm bồn, cùng phụ giúp bạn trông nom cháu nhỏ trong những ngày đầu mới sinh, còn bỡ ngỡ và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Tất nhiên, đúng như bạn nói, sinh con ra thì trách nhiệm chăm sóc con là của hai vợ chồng, không thể ỷ lại vào ông bà. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gia đình bạn, tôi cho rằng không tới mức độ quá khó khăn để thu xếp người phụ giúp. Sau tháng đầu, kể cả bạn sinh thường hay sinh mổ, sức khỏe đã hồi phục, bạn có thể thoải mái chăm sóc bé. Những sắp xếp của bạn rất tốt khi mọi thứ diễn ra theo chiều hướng thuận lợi. Còn chuyện sinh nở, chăm con nhỏ đều có thể thay đổi, không thể lường trước. Do vậy bạn không nên suy nghĩ quá xa để lo lắng.

Bạn xác định sẽ tự chăm sóc con, gia đình nội ngoại đều ở xa. Vậy bạn cần tìm hiểu về những cách nuôi dạy trẻ sơ sinh khoa học, giúp em bé sớm tự lập, có sức khỏe tốt. Ví dụ: rèn con tự ngủ thay vì có người ôm ấp, vỗ về; cho bé sớm tiếp xúc với môi trường bên ngoài vì bé sẽ phải đi lại giữa nhà ông bà nội ngoại,… Mọi khởi đầu của một bà mẹ bỉm sữa đang chờ bạn phía trước. Chúc hai mẹ con khỏe mạnh, sinh nở thuận lợi, bình an.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share