Tôi 17 tuổi, thuộc kiểu người khó tạo được các mối quan hệ xung quanh vì tính khá rụt rè và sợ người lạ.
Đã hơn năm nay, tôi bị bạn bè cô lập. Tôi rất sợ phải đi học, trường học bây giờ là thứ ám ảnh nhất đối với tôi. Mỗi khi chỉ có một mình, tôi rất sợ ánh mắt của người khác nhìn vào mình sau đó họ liền quay sang bàn tán. Tôi chẳng phải kiểu người xinh đẹp, thông minh gì cả, bề ngoài bình thường, học thức bình thường nhưng không hiểu sao tôi lại bị cô lập. Nhiều khi tôi sợ hãi đến mức chỉ muốn chết đi. Đối với ba mẹ tôi thì việc bị cô lập này là chuyện bạn bè giận dỗi nhau bình thường, họ không quá bận tâm đến.
Bây giờ tôi không biết phải làm sao. Tôi thật sự rất sợ cảm giác phải ở một mình. Mong mọi người cho tôi xin lời khuyên.
Linh
Chuyên gia tâm lý Vũ Huệ gợi ý:
Linh thân mến,
Trong thư bạn nói nhiều về nỗi sợ: sợ đi học, sợ người lạ, sợ ánh mắt của người khác nhìn mình sau đó quay sang bàn tán, sợ cảm giác phải ở một mình. Sợ hãi là một cảm xúc rất đỗi tự nhiên của mỗi chúng ta và giúp chúng ta tránh khỏi nguy hiểm. Nhưng nếu để sợ hãi lấn át và bao trùm, bạn sẽ luôn căng thẳng. Điều này hạn chế bạn đi đến những điều tích cực, vui vẻ. Bạn sẽ không còn cảm thấy háo hức mỗi ngày đến trường, háo hức trước những hoạt động cùng bạn bè. Một số gợi ý dưới đây có thể giúp bạn vượt qua sợ hãi một cách dễ dàng hơn:
– Đối mặt với nỗi sợ: Hãy chuẩn bị tâm lý rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nếu nó thực sự xảy ra, bạn sẽ giải quyết thế nào? Giải pháp khả thi nhất cho vấn đề là gì? Ví dụ sợ đi học: Điều gì làm bạn sợ đi học, hãy liệt kê thật chi tiết; Có những cách nào để bạn cảm thấy đỡ sợ hơn không? Cách nào khả thi nhất?
– Nhìn nhận sự việc một cách khách quan, dừng ngay những lo lắng của bản thân. Ví dụ “ánh mắt của người khác nhìn vào tôi sau đó họ liền quay sang bàn tán”: Ánh mắt đó có thực sự nhìn bạn? Câu chuyện họ nói có phải xoay quanh bạn? Hãy dừng những dòng suy nghĩ lo lắng đó.
Tôi đặt ra vài câu hỏi sau để bạn suy nghĩ. Bạn nói rằng bạn 17 tuổi và hơn năm nay bị bạn bè cô lập? Trước đây điều này có từng xảy ra với bạn không? Nếu có đó là điều gì? Bạn đã vượt qua bằng cách nào? Khoảng thời gian bắt đầu cảm thấy bị cô lập là khoảng thời gian bạn chuyển cấp (bắt đầu bước sang cấp 3)? Bạn có bạn thân hay chơi với một nhóm bạn trong lớp? Phải chăng môi trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới và với bản tính như bạn nói là rụt rè, khó tạo được mối quan hệ và sợ người lạ khiến bạn cảm thấy cô lập? Hay một sự kiện nào đó xảy ra khiến bạn nghĩ mình bị cô lập?
Cô đơn và cô lập đẩy chúng ta vào vòng luẩn quẩn trốn tránh, tự vệ, khiến chúng ta tạo ra những lời tiên tri tự ứng nghiệm, đồng thời vô tình đẩy những người chúng ta mong muốn kết nối ra xa. Bạn có cảm thấy ngập ngừng, lúng túng khi tạo ra các liên kết với những người bạn xung quanh? Khi bị tổn thương bởi một sự kiện nào đó, bạn tự động ngắt các kết nối xã hội khác để hạn chế nhận những phản ứng tiêu cực tiềm ẩn từ người khác? Và bạn đang tiếp cận người khác trong cảm giác hoài nghi, mất niềm tin, cố gắng để né tránh?
Khi không còn kỳ vọng điều gì tích cực sẽ khiến chúng ta mất động lực tìm kiếm. Cô đơn khiến chúng ta nhận thức không chính xác về bản thân và có cái nhìn khắc nghiệt với những mối quan hệ đang nắm giữ. Vậy nên bạn hãy mạnh mẽ chiến đấu lại cảm giác cô lập mà mình đang cảm thấy. Bài tập sau giúp bạn cảm thấy vững vàng hơn.
(1) Hãy viết ra các suy nghĩ tiêu cực, sau đó viết lại những phản biện một cách mạch lạc rõ ràng.
(2) Hãy viết ra 5 đặc điểm tính cách, phẩm chất của bản thân mà bạn đánh giá cao.
(3) Sắp xếp theo thứ tự tầm quan trọng và trả lời câu hỏi tại sao phẩm chất đó lại quan trọng với bạn, phẩm chất đó tác động đến cuộc đời của bạn thế nào?
Bạn hãy giảm cảm giác khổ tâm và tăng kết nối xã hội với những người xung quanh. Việc làm này sẽ khó khăn với bạn, nhưng tôi tin bạn làm được. Bạn có thể suy nghĩ về việc tham gia các hoạt động tình nguyện. Cho đi sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, bình yên, giảm nỗi sợ hãi, lưỡng lự khi tương tác với người lạ. Khi trao đi nhiều hơn nhận lại, bạn sẽ hướng sự chú ý đến người nhận thay vì bản thân. Từ đó bạn sẽ bớt e dè, ngượng ngùng bất an.
Khi đã cố gắng hết sức nhưng bạn vẫn cảm thấy bất ổn, hãy chia sẻ tình trạng của mình cho người lớn. Lúc này gặp trực tiếp chuyên gia tâm lý là gợi ý phù hợp cho bạn. Chúc bạn mạnh mẽ.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc