Sợ xấu mặt, bố không cho chị tôi ly hôn

By 4 năm ago

Chị gái tôi 36 tuổi. Từ nhỏ chị học giỏi, hiền lành, hòa đồng, tốt bụng, được mọi người yêu quý.

Nhưng chị luôn mặc cảm vì là người khuyết tật, chị không có một bàn tay do tật bẩm sinh. Chị vẫn làm tốt mọi việc, có khi tốt hơn nhiều người bình thường. Chị có mối tình đẹp thời sinh viên kéo dài khoảng chục năm, nhưng bỗng dưng anh không nói lời chia tay mà cưới luôn người khác. Chị tôi đau khổ một thời gian rồi cũng nguôi ngoai.

Người ta giới thiệu cho chị một người đàn ông cao, to béo. Vì bố mẹ thúc giục nên chị nhắm mắt lấy chồng cho xong nghĩa vụ để không mang tiếng “bà cô già” mà những người hàng xóm nhiều chuyện hay nói. Chồng chị làm nghề lái xe, nhưng từ khi lấy nhau, anh không đi làm nữa. 5 năm qua, mình chị tôi lo kinh tế gia đình. Chồng chị không đi làm cũng không phụ giúp việc nhà vì mẹ chồng chị bảo đó là việc của đàn bà, đừng đè đầu cưỡi cổ chồng,… Tay chị không lành lặn, vậy mà ngày nào cũng giặt đồ cho 5-6 người nhà chồng, máy giặt không cho dùng vì sợ tốn điện. Nhà 3 tầng ngày nào cũng bắt lau dọn. Sinh nhật từng người bắt phải tổ chức, trong khi sinh nhật chị, nhà họ không ai nhớ đến. Vậy mà mẹ chồng chị vẫn đi bêu rếu rằng chị ghê gớm, coi thường nhà chồng.

Mẹ chồng chị bán nước chè đầu ngõ, thu nhập không đáng bao nhiêu. Bố chồng thì nghiện rượu, chị gái chồng ly hôn, để con ở đó cho chị tôi nuôi. Làm được bao nhiêu chị tôi lo hết cho nhà chồng, không có chút tiết kiệm phòng thân. Tôi và mọi người thực sự muốn kéo chị ra khỏi nhà đó, muốn chị ly hôn nhưng chị không nghe. Khi chị nói muốn ly hôn, muốn tự do, thoải mái nhưng bố tôi bảo từ mặt nếu chị bỏ chồng, có ly hôn ông cũng không cho chị về nhà. Bố tôi rất cổ hủ, gia trưởng, sợ bị làng xóm cười chê vì có con gái bỏ chồng. Chị tôi thì quá yếu đuối lại luôn mặc cảm bản thân. Tôi rất thương chị, nhưng không biết làm thế nào để giúp chị được. Mong chuyên gia và quý độc giả cho tôi lời khuyên, xin chân thành cảm ơn.

Thi

Chuyên gia tâm lý Lê Thanh gợi ý:

Chào bạn Thi,

Mong muốn của bạn là giúp chị gái ly hôn. Nhưng dưới góc độ là chuyên gia tâm lý, tôi cho rằng bạn hãy để chị mình tự đưa ra quyết định cho cuộc hôn nhân của chị ấy. Bạn có chắc chắn rằng, sau khi kết thúc hôn nhân về mặt pháp luật, chị bạn sẽ tìm được hạnh phúc, sự an yên thực sự không? Có thể có, cũng có thể không, không ai dám nói trước được. Và hơn hết, chị bạn hoàn toàn có thể tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của cô ấy. Dù là người thân ruột thịt, bạn cũng không thể bắt ép hoặc muốn cô ấy thay đổi theo ý bạn dù theo cách nhìn của người ngoài, đó là việc nên làm để giúp cô ấy.

Ngoài ra, tôi cũng có nhiều thắc mắc chưa rõ như: Vì sao người chồng không đi làm từ sau khi kết hôn; Tại sao bà mẹ chồng cho rằng chị bạn coi thường nhà chồng? Chị bạn bảo cũng muốn tự do, muốn ly hôn nhưng ngoài nỗi sợ bị bố đẻ từ mặt thì còn nguyên nhân nào khác nữa khiến chị ấy lo lắng, chưa đủ quyết tâm thay đổi không?… Những thắc mắc này, liệu bạn đã có câu trả lời khách quan? Chúng ta cần tìm hiểu vấn đề theo nhiều chiều và cùng lắng nghe quan điểm từ cả hai phía trong mỗi câu chuyện hôn nhân gia đình sẽ tốt hơn.

Tạm dựa vào những thông tin bạn đưa ra như người chồng ỷ lại để vợ lo toan kinh tế gia đình, mẹ chồng không có thiện cảm, nói lời khó nghe, dù chị bạn cáng đáng, lo toan việc nhà chồng nhưng mọi người không quan tâm, yêu thương chị bạn… Ai cũng sẽ thấy khó chịu, bất bình dù chưa hiểu hết câu chuyện phía sau trong gia đình chị gái bạn. Thay vì nhất định phải thuyết phục chị bạn ly hôn, chúng ta hãy tìm cách để chị bạn có sự tự tin, lạc quan về chính mình. Đó mới là điều cần thiết cho cuộc sống lâu dài của chị bạn.

Trong thư bạn không nêu rõ 5 năm qua, chị bạn làm cách nào để nuôi sống cả gia đình, cũng như vấn đề con cái của chị bạn. Tuy nhiên, như bạn nói ngay từ nhỏ chị bạn học giỏi, lại được mọi người yêu mến, vậy chắc hiện nay dù khuyết một bàn tay, chị bạn vẫn có một công việc ổn định, thu nhập tương đối tốt thì mới có thể đáng cáng, lo toan mọi việc như vậy. Là người khuyết tật nhưng chị bạn tự chủ kinh tế, thậm chí còn nuôi chồng, nuôi con của chị chồng thì thực sự rất đáng khâm phục.

Sự mặc cảm của chị bạn một phần có thể do không có đôi tay lành lặn như người bình thường, một phần có thể chị mất niềm tin vào tình yêu và hạnh phúc thực sự sau khi người yêu nhiều năm đột ngột lấy vợ, và cô ấy đành nhắm mắt đưa chân kết hôn với một người được mai mối. 5 năm đã trôi qua, cô ấy chấp nhận mọi đau khổ, bất công để trở thành một người phụ nữ được chăm lo cho gia đình. Vậy điều gì giúp cô ấy có thể làm được điều đó? Vì tính chị gái bạn an phận, ở lâu trong cái khổ thì cam tâm tình nguyện hay đó là cách cô ấy muốn được khẳng định bản thân trước mọi người? Nếu làm rõ được những vấn đề này, chúng ta cũng có hướng để giúp chị bạn cụ thể hơn.

Nếu cô ấy là người an phận, chấp nhận trở thành “người giúp việc không công” thì cuộc sống của chị bạn sẽ mãi như những gì cô ấy hình dung, bởi người ta đã đóng khung bản thân trong một “nhãn” rằng mình chỉ được như vậy. Không ai thay đổi được chị bạn nếu chính cô ấy không thấy cần thay đổi.

Trong 5 năm kết hôn, không biết các mối quan hệ xã hội bên ngoài của chị bạn thế nào. Cô ấy có bạn bè và tham gia kết nối cộng đồng của người khuyết tật hoặc các hội nhóm tập thể khác không? Vì dù mất đi một bàn tay, nhưng điều đó không thể khẳng định chị bạn sẽ thua thiệt, thấp kém hơn những người khác. Tham gia vào nhiều các nhóm cộng đồng bên ngoài, cô ấy sẽ có những trải nghiệm mới để thay đổi bản thân, thấy nhiều hơn những giá trị bản thân. 

Về phía gia đình bạn, bố bạn là người gia trưởng, sợ mang tiếng xấu nếu con gái ly hôn. Ngoài điều đó, bố mẹ bạn có thể giúp chị bạn những gì? Liệu bố mẹ bạn có tinh tế góp ý với con rể, trò chuyện với thông gia không?

Ở đây, nếu chị bạn trực tiếp chia sẻ tâm sự sẽ tốt hơn. Chúng tôi và độc giả sẽ có nhiều thông tin cụ thể và sẽ giúp được cô ấy nhiều hơn. Chúc bạn và chị gái luôn khỏe mạnh, bình an.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share