Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc bộ. Từ nhỏ chỉ mình mẹ nuôi tôi khôn lớn (mẹ tôi là mẹ đơn thân).
Tôi tự ý thức phải chăm chỉ học tập và làm việc mới phát triển được tương lai. May mắn từ khi tốt nghiệp đại học tới nay khoảng chục năm, tôi đã tích góp mua được căn nhà ở Hà Nội. Tôi vui mừng đón mẹ (đã nghỉ hưu) lên ở cùng để hai mẹ con có điều kiện gần nhau, phòng những lúc ốm đau không có người thân bên cạnh.
Em – người con gái sinh ra ở Hà Nội. Chúng tôi quen nhau khi là đồng nghiệp trong một thời gian ngắn. Ngay khi nghe em giới thiệu bố mất từ hồi còn học sinh, tôi có sự đồng cảm lớn lao, dần dần cả hai trò chuyện cởi mở hơn. Em hay kể chuyện, còn tôi chỉ chăm chú lắng nghe và cười (tôi không hay nói và khá hướng nội).
Khi bắt đầu yêu, em cũng gặp những biến cố gia đình. Em mất việc, mẹ bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, còn một cậu em trai đang là sinh viên, chính em cũng mới phẫu thuật tim nên cơ thể rất yếu ớt. Em suy sụp tinh thần, khóc lóc đòi chia tay (vì mẹ em sợ tôi xuất thân ở quê, gia đình neo người sẽ làm em khổ). Lúc này bạn bè thân cũng khuyên tôi nên dừng lại vì gia đình em tiền sử có người bị điên, em lại yếu ớt nhiều bệnh. Họ sợ sau này tôi sẽ khổ. Khi ấy tôi rất bối rối nhưng vẫn quyết tâm không bỏ rơi người mình yêu trong lúc khốn khó. Chúng tôi vẫn nắm tay nhau tới viện khám lúc em ốm đau, mệt mỏi. Em thuyết phục mẹ dần dần, bà cũng xuôi theo (một phần vì sức khỏe của đã yếu).
Khi mẹ em mất, chúng tôi đã đăng ký kết hôn và em trai em cũng tìm được việc làm nên bà an lòng nhắm mắt. Em về với mẹ con tôi sau 49 ngày của mẹ. Tôi mừng vì khi bố mẹ em không còn, em đã có một gia đình mới, có tôi và mẹ dang rộng vòng tay chào đón em. Càng mừng hơn nữa khi ít tháng sau em báo tin có bầu (dù bác sĩ từng chuẩn đoán khó có con do buồng trứng đa nang). Cả nhà tôi đều vui vẻ, mua đồ sơ sinh để chờ ngày bé chào đời. Nhưng từ ngày có bé, tiếng cười nói trong nhà giảm dần, thay vào đó là tiếng khóc quấy của trẻ, người lớn phàn nàn về nhau nhiều hơn, chủ yếu xoay quanh việc chăm cháu. Em nói không tự tin giao con cho bà vì bà lạc hậu, không chịu đọc sách, bởi vậy suốt ngày em ôm con trong phòng. Bé quấy làm tôi và mẹ sốt ruột, còn em thì trầm cảm do thiếu kinh nghiệm chăm con và không còn mẹ đẻ cạnh bên.
Mẹ tôi lo lắng ra mặt khi cháu ngày càng còi cọc (bé nhà tôi bị chẩn đoán suy dinh dưỡng) nên càng không yên tâm về em. Mẹ bảo em không tin tưởng mẹ từ chuyện chăm cháu cho tới vấn đề tiền nong trong nhà (mẹ đi chợ và cơm nước hỗ trợ vợ chồng tôi). Mỗi dịp có người từ quê ra chơi là lúc bà “tâm sự” về em. Em phàn nàn với tôi rằng mẹ đang nói xấu mình, bảo bà vạch áo cho người xem lưng. Sau mỗi ngày làm việc, tôi đã cạn năng lượng, khi về nhà phải nghe những lời càm ràm của hai mẹ con khiến tôi phát bực. Ngày đi làm, tôi không tập trung trong công việc. Tối về định học thêm kiến thức bổ trợ thì phải chia lịch trông con với em (tôi trông từ 8h-12h đêm). Việc này khiến tôi khá căng thẳng vì thấy như bị kéo tụt xuống, không gặp gỡ được bạn bè như trước và không phát triển thêm được gì sau giờ làm.
Đỉnh điểm là cách đây vài hôm, tôi thấy em nhắn cho bạn mình, gọi mẹ tôi là con mụ già, nó, ngu dốt… rất nhiều những từ thô tục khiến tôi không tin nổi vào mắt mình. Trước mặt thì em vẫn mẹ con ngọt xớt. Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ những mâu thuẫn giữa em và mẹ chỉ đơn thuần ở mức nhỏ, nhà nào cũng có khúc mắc như vậy, rằng chỉ khác nhau về quan điểm chăm bé và điều này xuất phát từ tình yêu cho bé mà thôi. Tôi biết mẹ không khéo léo trong giao tiếp nhưng bù lại là có tình yêu vô bờ bến cho con cháu. Bà cũng có lương hưu nên không hề phụ thuộc tài chính vợ chồng tôi. Lúc em ốm, mẹ đánh gió cho em, hàng ngày mẹ lo cơm nước và chơi cùng cháu. Với tôi, đó đã là sự hỗ trợ lớn lao. Xưa mẹ em ốm nằm viện, mẹ tôi còn đề nghị lên đó chăm để em và em trai đỡ mệt còn đi làm. Không thương con cháu thì sao có những hành động như vậy.
Tôi quá sốc khi em nói về mẹ như vậy, thấy nổi da gà khi nghĩ về em và dần lạnh nhạt hơn với em. Em vẫn chưa biết là tôi đã biết những điều này nên nhắn cho bạn rằng dạo này tôi lạnh nhạt và hỏi có nên thử tìm vài mối quan hệ ngoài luồng không? Tôi rất bối rối nên đã khuyên mẹ về quê một thời gian, còn lại tôi và em trong sự im ắng của căn nhà. Con gái tôi mới 3 tháng tuổi, còn thơ dại quá. Tôi nên làm thế nào đây?
Minh
Chuyên gia tâm lý Lê Thanh gợi ý:
Chào bạn,
Những va chạm giữa mẹ chồng nàng dâu; bất đồng quan điểm giữa hai thế hệ và trong cách nuôi dạy con nhỏ là chuyện không hề hiếm. Điều quan trọng đầu tiên là bạn cần bình tĩnh suy xét mọi việc. Chỉ có vậy bạn mới có thể tìm được cách tốt nhất để giải quyết mọi chuyện.
Theo lời kể, mẹ bạn là người phụ nữ chịu thương chịu khó, thương con thương cháu. Việc bạn khuyên mẹ về quê một thời gian cũng là hợp lý vào thời điểm này. Đây là khoảng thời gian vừa để bà nghỉ ngơi, vừa để vợ chồng bạn có thể tự trải nghiệm cuộc sống vợ chồng trẻ thực sự. Ngoài ra cũng để những người trong cuộc suy ngẫm lại những gì đã xảy ra.
Vợ bạn đã trải qua nhiều mất mát, đau đớn khi lần lượt mất cả cha lẫn mẹ, sức khỏe không tốt, cộng thêm vừa sinh con được 3 tháng nên có thể tâm lý chưa được ổn định, dễ suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, việc bé bị suy dinh dưỡng cũng là một trong những nguyên nhân khiến vợ bạn stress, không vui. Lúc này bạn và con chính là chỗ dựa cho cô ấy.
3 năm đầu hôn nhân là khoảng thời gian các cặp vợ chồng dễ phát sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn khiến không khí gia đình căng thẳng nhưng cũng có mặt tốt nhất định đó là nếu giải quyết tốt, người trong cuộc sẽ hiểu nhau hơn, cởi mở hơn.
Vợ bạn có thể còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng chăm con. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cô ấy chăm sóc trẻ nhỏ, ban đầu còn lóng ngóng là điều bình thường. Nhưng cô ấy có bản năng của người mẹ. Thay vì chỉ trích, nghi ngờ vợ chăm con không tốt, bạn hãy đặt niềm tin, động viên và cùng đồng hành với vợ khi chăm sóc con nhỏ. Thay vì nói những câu như: Sao ít sữa thế; Sữa mẹ không tốt nên con còi; Không biết chăm con; Mẹ vụng,…. hãy nói những câu mang tính chất cổ vũ, khích lệ: Trộm vía con yêu quá, em ăn thêm món này để có sữa cho con bú,… Không chỉ bản thân bạn, hãy nói với những người xung quanh rằng nên vui vẻ với vợ bạn, không nên buông lời chê bai, so sánh. Phụ nữ sau sinh thường dễ rơi vào trạng thái stress hoặc trầm cảm, ảnh hưởng nhiều tới nguồn sữa mẹ và xảy ra các nguy cơ khác. Bởi vậy người mẹ càng khỏe mạnh về tinh thần và thân thể thì đứa con càng phát triển tốt bạn nhé.
Hãy để vợ bạn toàn quyền chăm con theo ý cô ấy. Hai vợ chồng có thể cùng thảo luận và tìm ra biện pháp phù hợp với em bé của mình. Hãy nhớ rằng, đứa con đầu lòng thường gắn liền với giai đoạn cha mẹ chúng còn thiếu nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Nhưng nếu là những ông bố bà mẹ cầu tiến, các bạn sẽ cùng học hỏi và trưởng thành theo sự phát triển của con. Bởi vậy, khi con đang trong giai đoạn suy dinh dưỡng, tôi tin rằng là người mẹ yêu con, vợ bạn sẽ tìm mọi cách để thay đổi. Bà xót cháu, bạn xót con, là người mẹ, vợ bạn cũng xót con lắm chứ. Đừng quá lo lắng hoặc vì chuyện này mà để gia đình thêm căng thẳng.
Không biết bạn có thường xuyên trò chuyện với vợ, lắng nghe tâm tư của vợ? Nếu cô ấy phàn nàn về mẹ bạn, bạn có thể tìm hiểu rõ sự việc và nói chuyện với từng người, tìm ra chỗ bất đồng để giải quyết, giúp vợ hiểu hơn mẹ bạn và ngược lại. Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ về công việc, tâm tư, suy nghĩ của mình cho vợ nghe. Giao tiếp chính là giải pháp tốt để hóa giải dần những khúc mắc, tránh để tích tụ theo thời gian.
Bạn cũng có thể tìm gặp cô bạn thân mà vợ hay tâm sự qua điện thoại, chia sẻ mọi chuyện và nhờ cô bạn ấy khéo léo khuyên nhủ vợ mình. Bạn có thể tạo cơ hội để vợ thỉnh thoảng gặp gỡ, giao lưu với bạn bè hoặc khuyến khích vợ mời bạn về nhà chơi. Đó cũng là cách khiến vợ bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Về vấn đề vợ bạn nói những lời không hay về mẹ. Bạn hãy ngẫm xem con người trước đây của vợ mình, liệu bản chất thực sự của cô ấy có phải ích kỷ, hẹp hòi, hỗn láo với người lớn như vậy không? Bởi rất có thể khi mang thai, sinh nở, áp lực chăm con nhỏ, cộng thêm không có sự đỡ đần từ cha mẹ ruột khiến cô ấy stress, suy nghĩ tiêu cực dẫn tới tính tình thay đổi. Hãy theo dõi thêm vợ bạn, nếu có những suy nghĩ, lời nói, hành vi mất kiểm soát, khác xa bản chất thực của cô ấy, hãy đưa vợ đến gặp trực tiếp bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ.
Vậy khi phát hiện vợ có những lời lẽ xúc phạm mẹ mình, bạn chỉ im lặng, không có hành động gì và thể hiện sự chán ghét vợ. Điều này càng khiến vợ bạn nghi hoặc, đưa ra những phán đoán sai lầm. Cứ như vậy, vòng tròn ức chế giữa các thành viên trong gia đình nối tiếp.
Bên cạnh đó, bạn đừng quên lựa lời nói khéo, động viên mẹ mình, mong bà thông cảm cho vợ khi cô ấy trẻ người non dạ và tâm sự cho mẹ hiểu những khó khăn vợ đang gặp phải. Ngoài ra, bạn nên góp ý để mẹ không tâm sự những chuyện trong nhà với người khác; có gì mẹ bạn chưa hài lòng, có thể nhẹ nhàng góp ý ngay với con cái để giải quyết luôn. Khi những thành viên trong nhà hiểu nhau hơn, bao dung hơn thì sóng gió nào rồi cũng qua.
Thời điểm này sự ưu tiên hàng đầu là con bạn. Việc cải thiện bầu không khí gia đình để mẹ bé vui vẻ, hạnh phúc, có được dòng sữa ngọt lành cho con bú thì bé mới mạnh khỏe, phát triển tốt được.
Ở một thời điểm nhất định, vợ bạn cần nói lời xin lỗi với mẹ chồng. Nhưng đó là chuyện của sau này, còn hiện tại cô ấy đang hoang mang, chưa nhận ra cái sai của bản thân, chưa cảm nhận được sự quan tâm của mẹ chồng và chồng dành cho mình. Bởi vậy, bạn hãy ở bên và giúp đỡ vợ nhé. Chúc gia đình bạn vượt qua sóng gió.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.