Em là học sinh. 3 năm trở lại đây, em thấy mình càng trở nên đáng sợ, không kiểm soát được chính bản thân.
Em thấy sợ khi nghĩ về quá khứ, đặc biệt là những chuyện liên tiếp về gia đình, bạn bè khiến em đau đầu, choáng váng. Em không thích ăn uống, ngay cả sở trường và những món yêu thích cũng gạt đi. Trước đây không thế, bây giờ em cố gắng đến đâu, sở thích vẫn quay lưng với em. Em hay bị mọi người “đâm” sau lưng, có lẽ do tính cách quá trẻ con chăng? Khi ở nhà, ba mẹ không hiểu những cảm nhận của em. Em hay khóc một mình, đến nỗi bây giờ không thể rơi được nước mắt. Chuyện gì cũng cảm thấy thật kinh tởm. Nhiều lúc em không biết mình bị sao nữa, em hay tức ở nơi lồng ngực, không thể thở, đau nhất là khi ai đó nói xấu em hoặc chuyện khiến em mệt mỏi. Em thường né tránh mọi người và trốn chạy mỗi khi cơn đau ập đến.
Em không dám tiếp xúc với ai như trước kia, không dám chia sẻ, kể cả ba mẹ. Em không biết phải nghĩ thế nào, chẳng lẽ nghĩ mình không phải con ruột của ba mẹ sao. Ba mẹ rất nghiêm khắc, kỷ luật cao. Khi đối diện với ba mẹ, em chưa bao giờ là chính mình, vì rốt cuộc ba mẹ chưa từng hiểu em, cứ bảo em nghĩ sao, bị làm sao; ngay cả đứa con như em, ba mẹ cũng không nhớ ngày sinh nhật, không biết em mắc bệnh trầm cảm. Em hay mơ thấy cái chết và thường dậy liên tục trong đêm, hay bị bóng đè liên tục nhiều lần, không biêt tâm sự với ai, kể với người nào. Em hay lấy kéo cứa vào tay và cảm thấy đỡ hơn phần nào. Trốn tránh cũng không phải cách, nhất là khi kỳ thi đang tới gần với em. Ba mẹ đang đặt gánh nặng lên vai em, đầu em quay cuồng, rất choáng, nhiều lần nghĩ đến tự tử và làm nhưng không thành công. Em nghĩ dù có nói cho ba mẹ, bạn bè chắc cũng không ai tin.
Linh
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Thân gửi Linh,
Chắc hẳn 3 năm qua là quãng thời gian Linh luôn cảm thấy cô đơn và lạc lõng rất nhiều. Bức thư của bạn tuy không chia sẻ về tất cả những điều bạn từng trải qua, nhưng tôi cảm nhận được một điều rất mạnh mẽ rằng: bạn đã và vẫn luôn dũng cảm để vượt qua thật nhiều những trải nghiệm tiêu cực đến tận bây giờ. Tất cả cố gắng đó đều xuất phát từ một ước nguyện tuy đơn giản mà vô cùng ý nghĩa đối với bạn: tìm được nơi mà bạn thuộc về, nơi bạn cảm thấy an toàn, có người ở bên chia sẻ, thấu hiểu và quan tâm.
Với những mong muốn đó, những gì bạn đang làm đều để giúp chính mình đứng vững, tự bảo vệ bản thân. Kể cả những hành động mà bạn coi là biểu tượng của sự trốn chạy, chối bỏ, hay gây đau đớn cho chính mình. Với nhiều người, đó có thể là sự yếu đuối, nhưng dưới góc độ chuyên môn, tôi cho đó là lời tuyên bố rõ nét của bạn rằng bạn đang làm hết sức có thể để bản thân cảm thấy an toàn hơn. Có lẽ một trong những mong mỏi lớn nhất của bạn chính là thoát ra khỏi môi trường hiện tại để tìm môi trường khác thực sự phù hợp với mình. Điều này không phải là không thể, khi bạn đang dần trưởng thành và tăng khả năng độc lập. Nhưng chắc chắn đây sẽ không phải là điều bạn có thể đạt được ngay tức khắc. Thời điểm hiện tại có thể xem là thời điểm vàng với rất nhiều cơ hội lý tưởng để bạn chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn sẽ diễn ra trong vài năm tiếp theo.
Điều đầu tiên bạn cần làm chính là kiểm soát cảm xúc của chính mình. Hiện tại bạn thường xuyên trải nghiệm các trạng thái cảm xúc mạnh, dễ dẫn đến một số hành động tự gây tổn hại cho bản thân. Càng kiểm soát tốt được cảm xúc bao nhiêu, bạn sẽ bình tĩnh và xử lý tình huống hiệu quả và có lợi cho bản thân nhiều bấy nhiêu. Một cách đơn giản và hữu hiệu chính là bạn cho riêng mình một “Góc an toàn” – nơi lưu trữ những đồ vật đem lại cảm xúc tích cực và an toàn cho bạn. Đó có thể là nến thơm tạo mùi hương dễ chịu, một bức tranh bạn vẽ về bản thân theo cách mà bạn thích nhất, một bức ảnh đem lại cho bạn cảm giác yên bình khi nhìn vào, hoặc một bức thư bạn gửi cho chính mình trong tương lai,… Hãy tìm đến “Góc an toàn” và hít thở đều, nghĩ về những việc mình cần làm cho đến khi bản thân bình tĩnh hơn. Mỗi khi ra khỏi nhà, bạn nên mang theo một đồ vật mà bạn cảm thấy dễ chịu khi sử dụng, chẳng hạn một quả bóng hơi mềm nhỏ gọn để giải stress khi cần cùng với bài tập hít thở đều (Linh có thể dễ dàng tìm kiếm thêm thông tin về loại bóng này trên mạng).
Bên cạnh đó, phương pháp để bạn học cách tự giúp đỡ hiệu quả, chính là học từ kinh nghiệm của người khác, khi bạn quan sát cách mọi người hỗ trợ nhau lúc khó khăn, và khi bạn chủ động hỗ trợ những người xung quanh trong trường hợp tương tự. Việc này vừa tạo cho Linh cơ hội rèn luyện khả năng tương tác với mọi người, vừa học được nhiều phương pháp khác nhau để áp dụng cho tình huống của chính mình.
Trong trường hợp cần thiết, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với số đường dây nóng 111 luôn là địa chỉ an toàn để bạn có thể tìm đến. Đây là tổ chức đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em, tham vấn về stress, lo âu và trầm cảm.
Có thể giờ đây niềm tin của bạn vào những người xung quanh không còn nhiều. Tuy nhiên đó chỉ là một bộ phận nhỏ những người mà bạn sẽ tiếp xúc trong suốt cuộc đời, và chắc chắn không phải tất cả họ đều không đáng tin cậy. Hi vọng sau khi đọc được trả lời, bạn sẽ cảm nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của chúng tôi. Chúc cho mọi điều tốt nhất sẽ đến với bạn.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.