Chồng hở chút là giận dỗi, bỏ nhà đi dù tôi đang mang thai

By 5 năm ago

Mấy lần về quê, anh nghe mẹ chồng nên mắng chửi, so sánh tôi với người khác, đòi đánh tôi trước mặt mọi người.

Tôi 28, còn chồng 30 tuổi, yêu nhau 3 năm, kết hôn được gần 2 năm. Tuy lương không cao nhưng chúng tôi đều có công việc ổn định ở Hà Nội. Sau cưới, tôi thấy trong anh như có hai con người khác nhau. Bình thường anh rất quan tâm tôi, chăm chỉ phụ giúp vợ việc nhà, đi ăn đi chơi hay tôi muốn mua gì anh đều chi tiền (trừ khi anh hết tiền), luôn muốn lo cho vợ mọi thứ, nhất là khi tôi mang thai lại càng chiều chuộng hơn. Tôi cũng chưa từng thấy anh nhắn tin, tán tỉnh ai. 

Khi vợ chồng xích mích, tôi kể lể, trách móc thì anh mắng chửi, ở luôn trên cơ quan, chỉ khi tôi gọi mới về nhà dù chỉ cách gần 2 km. Anh không xin lỗi, không nói lên suy nghĩ và cũng chẳng muốn giải quyết vấn đề. Mấy lần về quê, anh nghe mẹ chồng nên mắng chửi, so sánh tôi với người khác, đòi đánh tôi trước mặt mọi người. Lúc ấy, sợ bị đánh nên tôi nhẫn nhịn. Khi chỉ có hai vợ chồng, tôi góp ý thẳng thì anh im lặng, rồi bảo ngủ đi. Tuy giận nhau nhưng tôi nhờ việc gì hoặc chuyển tiền anh vẫn đáp ứng. Từ khi cưới, tôi luôn làm lành trước. Chẳng lẽ tôi cứ phải xuống nước mãi?

Biết là mang bầu không nên suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến con nhưng tôi luôn bất mãn. Vì bố mẹ chồng chưa bao giờ chủ động gọi điện hỏi thăm mẹ con tôi, chỉ lúc nào tôi gọi về thì bà mới hỏi xã giao vài câu; Vì tôi đang mang thai nhưng khi giận nhau chồng chẳng đoái hoài, xuống nước. Tôi chẳng thể chia sẻ cùng ai vì không muốn bố mẹ mình lo lắng, bạn bè biết chuyện. Xin chuyên gia và độc giả cho tôi xin ý kiến và biện pháp để cải thiện tình hình này. Tôi chân thành cảm ơn.

Nga

Chuyên gia tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:

Chào Nga,

Bạn đang trong hoàn cảnh khó khăn và thách thức bởi: (1) Bạn không biết lúc nào chồng chiều chuộng hay cáu giận, sẵn sàng quát vợ, không về nhà; (2) Cha mẹ chồng can thiệp hoặc có ảnh hưởng đến vợ chồng bạn theo hướng tiêu cực, khiến chồng quát, dọa và đòi đánh bạn trước mặt mọi người; (3) Cảm giác bất mãn về gia đình xuất hiện trong bạn; (4) Bạn thiếu nguồn lực hỗ trợ để thoát khỏi tình huống này. Với những điều bạn chia sẻ, chưa đủ thông tin để lý giải mọi nguyên nhân dẫn đến những ứng xử không nhất quán của chồng bạn đối với bạn. 

Mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn, bạn kể lể một chút, chồng bạn đã giận hờn, không về nhà, đợi bạn làm lành trước. Cách ứng xử như vậy giống với cậu con trai út hoặc con trai một trong gia đình, từ nhỏ luôn được cha mẹ chiều, nhất là người mẹ. Sự trưởng thành về trách nhiệm, kỹ năng vượt qua cảm xúc hẫng hụt trong hôn nhân chưa có ở những người đàn ông kiểu này.

Khi về quê, cha mẹ, người thân tác động theo hướng tiêu cực thông qua những câu nói kiểu như “dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” đã ảnh hưởng đến chồng bạn, dẫn đến những hành vi, lời nói dọa bạn. Cách ứng xử này xuất phát từ người đàn ông chưa trưởng thành đã lấy vợ. Những người kiểu này có tâm lý thích tỏ ra mạnh mẽ, có khả năng dạy vợ. Nhưng thực tế họ không chịu được áp lực, không có chính kiến và năng lực để hành xử theo quan điểm riêng, sợ mang tiếng “sợ vợ”. 

Vài chia sẻ giúp bạn phòng ngừa xung đột, bạo lực, gia tăng hạnh phúc trong hôn nhân:

Thứ nhất, hãy giúp chồng nhìn thấy những điểm tích cực của anh ta bằng cách tin tưởng anh ta có khả năng chăm sóc gia đình, làm việc. Khi tự tin, chồng bạn sẽ chịu được áp lực từ những người xung quanh và ứng xử theo cách nghĩ của mình, không bị cuốn theo lời nói của họ. 

Thứ hai, hãy quan sát và ghi chép trong những tình huống, hoàn cảnh, cách nói nào của bạn khiến chồng giận hờn, không về nhà. Bạn đừng để cách hành xử đó lặp lại. Phát huy những tình huống tích cực, chẳng hạn chồng giúp bạn làm việc nhà. 

Thứ ba, khi chồng giận hờn, bạn hãy làm chủ cảm xúc lo lắng của mình, không chủ động làm lành nữa, chỉ gọi anh ta về ăn cơm, ngủ ở nhà cho ấm. Một đến hai lần như vậy, anh ta sẽ thay đổi, bớt ứng xử như trẻ con và nũng nịu với bạn.

Thứ tư, chọn một ngày phù hợp, nói với chồng rằng dọa, mắng, quát là hành vi bạo lực gia đình, bạn không muốn có và anh ấy không được phép sử dụng. Để chồng bạn phân biệt được đâu là hành vi đúng, đâu là xấu, khi nói điều này, bạn phải nghiêm nghị, cương quyết, không ủy mị, van xin. 

Thứ năm, giữ mối liên hệ thường xuyên với hàng xóm, bạn bè và người thân bên ngoại để có được sự hỗ trợ khi cần. Cảm giác đang trong mối quan hệ xã hội tốt, không đơn độc giúp bạn tránh được bạo lực gia đình. Một người phụ nữ càng đơn độc, càng có nguy cơ bị chồng bạo hành. 

Chúc bạn sớm thoát ra khỏi tình huống khó khăn và hạnh phúc đón đứa con đầu lòng. 

Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo email: tamsu@nhantim.com. Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share