Em là sinh viên đại học ở một thành phố lớn, đi học trễ hơn so với các bạn đồng trang lứa.
Em đã tự ôn thi đại học và cố gắng vượt qua mọi áp lực để đậu trường đại học em mơ ước. Nhưng khi đi học rồi em bắt đầu chán nản vì lúc nào cũng bị soi mói và nói xấu, còn bị đổ oan. Em đã nói chuyện thẳng với cô bé đã đổ oan cho mình nhưng em không thể biện minh được mình không làm gì sai. Bé đó rất ghét em, nói em hỏi bài làm nó không học hành gì được, nhưng thật sự em đã nhịn bé đó rất nhiều. Ngay cả khi hai đứa đi thang máy chung, em cũng nhường cho bé đó lên trước.
Em thật sự không muốn đụng chạm ai cả. Em không thanh minh được mình đúng nên mọi người ngày càng nghĩ em sai, ngày càng nhiều người nói xấu và nói móc em. Cứ giờ học là bị nói móc, đến mức em không chịu được. Bé đó không chỉ nói mình em mà còn nói nhiều đứa khác nhưng em bị nói nhiều nhất. Thật sự, em đã cố gắng nhịn, đến mức phải nói ra, nhưng khi nói ra lại tệ hại hơn. Học thí nghiệm phải nhìn, phải nghe những đứa ghét mình nói xấu, mỉa mai thật sự em không chịu được. Đôi lúc em nghĩ, ba mẹ cho tiền đi học nhưng tại sao vào đây phải chịu đựng những đứa này. Em chán nản thật sự. Em không biết nên làm gì bây giờ nữa. Mong chuyên gia, anh chị giúp đỡ. Em cảm ơn.
Ngọc
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Chào Ngọc,
Gần đây chắc chắn đã đem lại cho Ngọc nhiều thay đổi trong cuộc sống. Môi trường mới cùng với nhiều cơ hội, nhưng cũng đem lại không ít khó khăn khiến bạn phải trăn trở. Lời soi mói, mỉa mai xuất hiện ngày càng nhiều đã dồn nén những cảm xúc khó chịu, thất vọng bên trong bạn, thậm chí khiến Ngọc đôi khi cảm thấy khó có thể kiềm chế được mà muốn vỡ òa, thôi thúc một hành động cụ thể ngay lập tức để giải quyết vấn đề. Tôi mừng rằng khi đứng trước những thách thức này, bạn vẫn rất sáng suốt và kiên cường, sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ bản thân tìm lại sự công bằng cho chính mình. Chính Ngọc trước kia từng một lần vượt qua rất nhiều áp lực để đạt được mục tiêu của mình. Điều này cho thấy bạn hoàn toàn đủ mạnh mẽ để không bị những khó khăn trước mắt cản trở bạn khẳng định giá trị của bản thân trong tương lai.
Áp lực từ những câu nói hàm oan của bạn bè cũng có thể so sánh với áp lực khi bạn quyết định thi đại học. Khi đó, chìa khóa khiến bạn đạt được thành công chính là tiếp tục làm điều mình cần làm, đi những bước mình cần đi mà không cần vội vã đi thuyết phục với mọi người rằng ý kiến của họ về bạn là sai. Trường hợp này cũng tương tự, những lời chỉ trích sẽ ngày càng gia tăng nếu họ thấy bạn đang khó chịu và tức giận, vì phản ứng này với họ là dấu hiệu cho thấy điều họ làm là đúng. Thay vì cố gắng nhắc bản thân “Đừng quan tâm, đừng quan tâm” một cách chung chung và khó thực hiện, bạn nên tập trung vào những điều hiển nhiên như: “Những lời đó không ảnh hưởng tới việc mình đã cố gắng rất nhiều bao lâu nay” hay “Những lời nói đó không đánh giá được bản thân mình là ai. Thay vào đó, tập trung vào những điều cần thiết cho bản thân sẽ là đúng đắn”.
Như vậy, muốn làm được điều này thì khả năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân là cần thiết để tránh dẫn đến những hành động không đem lại hiệu quả mong muốn. Mỗi khi bạn cảm thấy cảm xúc tiêu cực đang lên đến đỉnh điểm, hãy nhớ đến chiếc đèn giao thông và tiến hành 3 bước tương tự lúc bạn đi xe: Dừng (Đèn đỏ) – Suy nghĩ (Đèn vàng) – Hành động (Đèn xanh), cụ thể như sau:
– Dừng (Đèn đỏ): giống như khi đi xe, bạn dừng tất cả hành động của bản thân lại, hít thở đều, đếm chậm từ một đến 10.
– Suy nghĩ (Đèn vàng): Tự hỏi bản thân: Bạn đang cảm thấy thế nào? Bạn muốn làm gì ở thời điểm hiện tại? Điều này liệu sẽ dẫn đến kết quả thế nào? Đây là thời điểm bạn làm chậm quá trình ảnh hưởng của các cảm xúc mạnh lên hành động, giúp bạn kiểm soát được phản ứng của bản thân sao cho phù hợp.
– Hành động (Đèn xanh): Đèn xanh chỉ bật khi ngã tư trước mắt đã đủ an toàn để bạn đi qua. Tương tự ở trường hợp này, bạn sẽ tiếp tục đưa ra hành động sau khi đã chắc chắn rằng mình lường trước được hậu quả có thể xảy ra và bạn hoàn toàn chấp nhận những kết quả này.
Bên cạnh đó, việc tìm được những người bạn để cùng chia sẻ và sát cánh bên nhau sẽ là điều cần thiết với Ngọc ở thời điểm hiện tại. Theo như bạn chia sẻ, có rất nhiều bạn khác trong lớp rơi vào trường hợp giống như bạn, như vậy bạn không hề một mình trong câu chuyện này. Không nên chỉ vì quá tập trung vào mối quan hệ tiêu cực với một người mà quên đi rằng bạn hoàn toàn có thể phát triển nhiều mối quan hệ tích cực khác. Với bất cứ ai, ở bất cứ thời điểm nào, việc tự tạo cho mình một môi trường an toàn với những người bạn có nhiều điểm chung và quý mến nhau sẽ là một chiến lược hợp lý để hỗ trợ tốt nhất cho bản thân.
Câu chuyện của Ngọc cho thấy bạn là người luôn chủ động tìm cách giải quyết các vấn đề của mình. Bạn thử thay đổi nhiều cách thức để ứng phó với vấn đề: chủ động làm rõ vấn đề, chủ động nhường nhịn để tránh gặp phải tình huống không đáng có,… Vậy hãy thử chủ động thay đổi cách làm một lần nữa, nhưng không phải để đối phó với người gây cho bạn sự khó chịu, mà là để cho bản thân vững vàng hơn, không bị dao động bởi những điều tiêu cực bên ngoài mà quên đi nhiều điều tích cực luôn ở cạnh mình. Đây sẽ lại một lần nữa là cơ hội để bạn chứng minh cho mình thấy rằng mình sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và đủ khả năng vượt qua khó khăn trước mắt. Chúc Ngọc sẽ luôn vững tin và bền bỉ trên con đường hướng đến mục tiêu của mình.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.