Tôi cảm thấy mình mất quá nhiều thời gian vào những công việc không tên ấy.
Tôi 26 tuổi, kết hôn gần năm. Tuy nhà không có điều kiện nhưng từ nhỏ bố mẹ không bắt tôi làm bất cứ việc gì, chỉ cần lo học hành. Thậm chí ngay cả nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, mẹ cũng làm hết. Tôi đỗ đại học danh tiếng, có bằng giỏi và tìm được việc lương khá. Yêu được hơn năm, chúng tôi kết hôn. Anh hiện 30 tuổi, galăng, ưa nhìn, biết quan tâm tôi.
Mẹ chồng tôi nhẹ nhàng, phúc hậu, yêu thương con cái. Bà biết tôi vụng nữ công gia chánh nhưng không ghét mà chỉ bảo tận tình, dạy tôi bí quyết nấu ăn ngon và các mẹo vặt trong cuộc sống. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Nhưng chỉ hào hứng được lúc đầu, tôi nản dần và thấy mất quá nhiều thời gian. Trước đây, làm xong tôi thường cùng người yêu đi ăn, đi dạo hoặc xem phim. Nhưng giờ ngày nào cũng tất bật về nấu nướng, dọn dẹp. Nếu dành thời gian ấy để nghỉ ngơi, thư giãn hoặc kiếm tiền,… chắc sẽ ý nghĩa hơn. Khi có tiền, muốn ăn món Tây, Tàu gì mà chẳng được.
Tôi bắt đầu tìm cớ về muộn và không ăn cơm nhà. Ban đầu, chồng tôi còn về ăn cơm với mẹ. Nhưng thấy vợ ít về, mà mẹ hay than buồn nên anh chán dần, đi nhậu với bạn bè. Mẹ chồng muốn sang nhà chị chồng ở chơi. Khi nghe mẹ báo, tôi rất vui vì sẽ được tự do làm theo ý mình. Tôi rủ chồng đi ăn nhà hàng, đi chơi như ngày còn yêu nhưng anh luôn bận, có khi đã hẹn còn hủy đột ngột. Thậm chí tôi vào bếp trổ tài, anh cũng chẳng về, mà lúc về thì đã khuya, người nồng nặc mùi rượu. Tôi sợ nếu cứ tiếp tục, chồng sẽ sa ngã, hư hỏng. Phải chăng tôi đã làm hơi quá nên mới rơi vào tình trạng này? Mong chuyên gia và mọi người cho tôi xin lời khuyên.
Xuyến
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Xuân gợi ý:
Chào Xuyến,
Việc xảy ra hôm nay là một phần hệ quả của cách giáo dục trong gia đình bạn. Bố mẹ bạn đặt việc học quan trọng hơn tất cả, không dạy bạn các kỹ năng trong cuộc sống. Chính bạn cũng có suy nghĩ xem thường việc nội trợ, dọn dẹp… Đó đúng là những việc không tên, mất thời gian nhưng lại giúp cuộc sống con người trở nên ấm áp, có ý nghĩ hơn nếu bạn biết cách sắp xếp.
Bạn rất may mắn khi có mẹ chồng tâm lý, không chê trách con dâu mà chỉ bảo tận tình. Có lẽ bạn chưa thực sự hiểu về cuộc sống hôn nhân nên chưa biết cách vun vén để gia đình hạnh phúc. Các bạn đi làm cả ngày bên ngoài, bữa tối chính là lúc cả gia đình quây quần bên nhau trò chuyện, gần gũi. Chắc bạn đã nhìn thấy, căn bếp lạnh tanh thì đâu còn sự đầm ấm của gia đình. Cũng vì thế mà chồng bạn chán nản, thường xuyên đi nhậu.
Nếu tiếp tục tình trạng này, chồng bạn sa ngã là điều khó tránh khỏi. Và không phải bạn làm hơi quá nên mới vậy, mà là bạn không nên nói dối để trốn tránh việc nhà, bỏ bê gia đình. Hiện tại, bạn đã nhận thấy lỗi sai chưa hay chỉ vì cô đơn, sợ chồng hư hỏng nên mới lo lắng?
Hãy nhìn nhận lại bản thân, thậm chí có thể hỏi người thân, bạn bè để nhìn rõ cái chưa đúng của mình. Chỉ khi hiểu rõ, bạn mới nên tìm cách cải thiện. Bạn có thể đến nhà chị chồng chơi thường xuyên, lôi kéo chồng đến để tạo không khí gần gũi. Sau vài lần thì tâm sự với mẹ chồng một cách chân thành về những lo lắng của mình, xin lỗi mẹ vì thời gian qua đã có suy nghĩ lười biếng, chưa đúng, bỏ bê gia đình. Bạn có thể không “khai” hết mọi chuyện nhưng đừng dùng lý do để che giấu toàn bộ, bởi mẹ chồng bạn từng trải lại tinh tế, những mẹo nhỏ đó của bạn khó mà qua được mắt bà. Sau đó, mời bà về ở với mình.
Khi bạn thay đổi, căn nhà ấm áp trở lại, có mẹ chồng hậu thuẫn, lúc này lôi kéo chồng bạn về cũng không quá khó. Không thấy bạn nhắc đến việc có con. Đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa vợ chồng, khiến họ có trách nhiệm với gia đình hơn.
Chúc bạn sáng suốt và học được cách vun vén gia đình.
Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo email: tamsu@nhantim.com. Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.