Tôi nên làm gì khi bị trầm cảm

By 5 năm ago

Tình trạng của tôi như bị stress kéo dài khoảng 4 năm trở lại đây.

Tôi đang có dấu hiệu trầm cảm:

– Suy nghĩ tiêu cực như muốn tự tử.

– Đối với vấn đề mới, lúc nào cũng phải cân nhắc xem xét, sau đó mới chịu tiếp thu, nên thường trì hoãn mọi thứ.

– Thường chú tâm nhiều hơn đến các bình luận, nhận xét tiêu cực của người khác.

– Bộ não lúc nào cũng ở trạng thái muốn đi ngủ, nhưng vẫn cố gắng giải quyết những việc đến hạn.

Tôi nên làm gì?

Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:

Thân gửi đến Tư,

Lời nhắn của bạn tuy ngắn nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được ở bạn sự khẩn thiết, mong muốn có được trợ giúp kịp thời. Với những áp lực hàng ngày bạn phải trải qua trong cuộc sống, stress là điều khó tránh khỏi. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài và không có sự thay đổi kịp thời thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến bạn rơi vào trạng thái kiệt quệ về mặt tinh thần. Cũng như tất cả các vấn đề về sức khỏe khác của con người, việc bạn cần làm bây giờ chính là tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ có chuyên môn. Cụ thể, các bác sĩ tâm thần là những người duy nhất có quyền và khả năng chẩn đoán chính xác, cung cấp cho bạn lời giải thích rõ ràng nhất về tình trạng của bạn hiện tại, từ đó tư vấn cho bạn các phương thức cải thiện phù hợp.

Ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc trực tiếp tìm đến các bác sĩ có thể sẽ gặp nhiều trở ngại. Thay vào đó, bạn có thể liên hệ đến những trung tâm chuyên tham vấn, trị liệu tâm lý đang có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần trực tuyến để được giúp đỡ.

Nhu cầu được công nhận, được yêu thích luôn là một mong muốn chính đáng của mỗi người, việc thận trọng trước những thay đổi cũng hoàn toàn là phản xạ hợp lý của bất cứ ai. Nhưng qua những dòng chia sẻ mà bạn gửi cho chúng tôi, có vẻ những nhu cầu đó đã biến thành nỗi lo âu, sự ám ảnh hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của bạn. Nỗi lo âu khi đạt đến mức độ quá sức chịu đựng được sẽ dễ dẫn đến những phản ứng có hại cho cơ thể như đổ mồ hôi, chân tay co cứng, nhịp tim đập nhanh, rụng tóc, đau dạ dày, chán ăn,… Đi kèm với nó là nhiều luồng suy nghĩ tiêu cực khác nhau liên tục xuất hiện, thúc đẩy những hành động nguy hiểm cho bản thân. Vì vậy các bài tập để thả lỏng cơ, thư giãn tinh thần nên là thói quen được hình thành hàng ngày. Các lớp học yoga trực tuyến, các bài tập giãn cơ, giải phóng hình thể, tinh thần có trên mạng hoàn toàn là những gợi ý phù hợp với bạn. Trong trường hợp bạn bị hạn chế về thời gian, các bài tập hít thở sâu, tập trung vào hơi thở trong vòng 5-10 phút/lần vào bất cứ lúc nào trong ngày cũng là giải pháp thay thế hiệu quả.

Nếu bạn đang không tìm được người để có thể chia sẻ mỗi khi nỗi lo âu trở nên nghiêm trọng, việc viết ra tất cả những ưu tư đó dưới dạng nhật ký hàng ngày sẽ giúp giải phóng những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực một cách an toàn. Đặc biệt vào những thời điểm khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, hãy viết ra tất cả những gì bạn đang suy nghĩ, dù chúng là gì đi chăng nữa. Phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả khi stress đã tích tụ trong bạn suốt 4 năm qua mà hiếm khi được giải tỏa. Nhật ký nên được ghi cố định ở một quyển sổ, vở nhất định, và nên được lưu giữ để bạn có chia sẻ, trao đổi với chuyên gia tâm lý hỗ trợ cho bạn sau này.

Trong giai đoạn này, đồ uống có cồn hay cà phê nên được hạn chế vì chúng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng hoạt động của não bộ. Caffeine và đồ uống có cồn chính là yếu tố dẫn đến giai đoạn stress đầu tiên (giai đoạn báo động). Caffeine cũng khiến con người dễ hồi hộp lo lắng. Do đó thói quen ngủ cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Bên cạnh đó, tình trạng thèm ngủ có thể là một tín hiệu cho thấy cơ thể cần được nghỉ ngơi, có một giấc ngủ sâu cũng là cách bảo vệ cơ thể. Thói quen ngủ chất lượng được tạo nên khi bạn ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ, không sử dụng đồ điện tử trước khi ngủ, không ăn trong vòng 4 tiếng trước khi ngủ,…

Hy vọng những bài tập trên của tôi sẽ giúp đỡ bạn cảm thấy cân bằng hơn phần nào trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc lại rằng, những bài tập này chỉ thiên về giải tỏa năng lượng tiêu cực, thư giãn và chăm sóc cơ thể, dựa trên những thông tin bạn gửi đến và trong khuôn khổ giới hạn của một bức thư tư vấn. Chúng sẽ khó có thể giúp tinh thần bạn cảm thấy được chữa lành 100%. Để làm được điều này cần đến sự trợ giúp trực tiếp của bác sĩ và nhà thực hành lâm sàng có chuyên môn. Hy vọng rằng bạn sẽ sớm có những hành động cụ thể để đem lại những thay đổi tích cực cho chính mình. Chúc bạn mọi sự bình yên.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share