Tôi 26 tuổi, làm công ty tư nhân ở TP HCM, lương 10 triệu một tháng.
Có thể đang mùa dịch nên thời gian ngẫm nghĩ về bản thân cứ dai dẳng và tôi lại nghĩ về ước mơ của mình. “Ước mơ của mày là gì?”, là câu hỏi hàng đêm tôi tự hỏi và đến giờ vẫn không biết câu trả lời. Tôi không biết công việc hiện tại có phải là đam mê của mình không, vì ngẫm lại lý do chọn ngành này không phải vì bản thân mà vì một lý do duy nhất lóe lên khi ghi hồ sơ chọn trường, đó là nhà nghèo, tôi không muốn ba mẹ có thêm gánh nặng tiền bạc. Từ nhỏ đến giờ, tôi luôn ám ảnh với suy nghĩ nhà nợ nần nhiều nhưng ba mẹ giấu con cái thôi. Từ khi học đại học đến giờ đi làm, mọi thứ diễn ra bình bình, không có gì nổi bật, điều thật sự khó khăn là xin việc khá trầy trật. Tôi luôn suy nghĩ sao mình hèn vậy, không biết phấn đấu, chăm chỉ để thành công nhưng thật sự tôi không biết mình làm vì điều gì, dù cuối cùng vẫn làm xong việc vì lương.
Như vậy là tôi không có động lực sống phải không? Tôi đã nghĩ vậy và tìm cách tạo động lực: là cái nghèo, sự khinh bỉ, bị cô lập, nhưng nhiêu đó vẫn không làm tôi vùng lên. Rồi tôi lại nghĩ về điều mình mong muốn, về ước mơ. Tôi đã nghĩ: được thôi mình sẽ làm, sẽ sống vì tiền, vì ba mẹ… nhưng nỗi buồn cứ bám lấy tôi. Một tuần có đến nửa tuần là những ngày tôi buồn vô cớ. Vậy tức là tôi đang sống vô nghĩa rồi. Làm sao đây?
Thế rồi tôi chọn đọc sách, lập kế hoạch ngày, tuần… nhưng lập rồi lại trì hoãn và không hoàn thành. Tôi lại nghĩ đến động lực, ước mơ chết tiệt của mình: mày đang ở đâu? Tôi thấy mình không thực hiện được là do không có người cùng cố gắng, đôn thúc nhưng tôi khó chia sẻ với người nhà vì thử trò chuyện nhưng không thấy sự cảm thông, còn với bạn bè tôi hay tỏ ra vô âu vô lo và giấu tâm tư. Tôi hy vọng qua bài viết này, ai đó sẽ làm bạn đồng hành với tôi, giúp tôi vượt qua cách sống lạc lối này. Nếu cách này không khả thi, tôi sẽ đến bác sĩ tâm lý nhờ giúp đỡ. Xin chuyên gia và bạn đọc giúp tôi – một sản phẩm sống điển hình không ước mơ trong giới trẻ – lời khuyên, làm sao để biết điều mình muốn?
Lan
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Lan thân mến,
Đúng như bạn chia sẻ, việc thiếu động cơ, mục tiêu, mơ ước hay không biết mình muốn gì là hiện tượng khá phổ biến trong thế hệ trẻ. Nếu mở rộng ra, Lan có thể quan sát được hiện tượng này phổ khắp cả nhóm trung niên cũng như thanh thiếu niên.
Để giải đáp cho sự mông lung, bất định và xoa dịu những lo lắng từ tương lai, thường các câu hỏi sẽ được đặt ra như một công cụ giúp giải quyết khó khăn thực tại: Ai là người đủ tự tin và hiểu biết về chính mình để tuyên bố rằng mình có thể sống vì điều gì trong đời? Liệu có tồn tại mục đích chung nào đó phù hợp với bất kỳ người nào? Liệu những gì mình quyết định hôm nay có phải là mục tiêu mình sẽ sống tiếp sau này?
Kể cả khi trả lời tất cả câu hỏi trên cũng không thể chắc chắn bạn sẽ có sự đảm bảo mà bạn cần khiến những lo lắng, sợ hãi biến mất. Lo âu, sợ hãi sẽ luôn tồn tại, dai dẳng, đeo bám. Chúng không biến mất hay bị đánh bại dù bạn biết mục đích cuộc đời mình là gì; bạn có năng lực gì trong đời; bạn quen ai, yêu ai, chơi với ai. Nỗi sợ tồn tại bên trong mỗi người với một nguyên nhân nguyên thủy và cổ xưa hơn rất nhiều những gì bạn có thể hình dung. Chúng ở đó vì chúng cần thiết với sự tồn tại của bạn và hứa hẹn sẽ cho bạn một sức mạnh không thể diễn tả bằng lời để đạt được những điều bạn xứng đáng.
Đọc đến đây, mọi vấn đề sẽ đơn giản hơn rất nhiều, toàn bộ khó khăn được dồn lại vào 2 câu hỏi cụ thể: Bạn xứng đáng với điều gì? Bạn sẵn sàng làm gì để đạt được điều bạn khẳng định mình xứng đáng?
Hãy nói về điều đầu tiên: mức lương 10 triệu một tháng dù có thể không lớn trên quan điểm của bạn nhưng con số đó chắc chắn không tự nhiên xuất hiện. Để đạt được con số đó với xuất phát điểm thấp cần bỏ ra nỗ lực tuyệt vời, sự tập trung cao độ để san bằng khoảng cách mặt bằng chung. Sẽ là bất công và vô lý với bạn nếu không công nhận sự nỗ lực và kết quả bạn đang có. Kết quả này, chúng ta hãy tạm gọi là tiêu chuẩn cơ bản. Bạn không chấp nhận kết quả thấp hơn mức đang có dù chuyện gì xảy ra.
Từ tiêu chuẩn cơ bản này, chúng ta xây dựng những tiêu chuẩn khác có ý nghĩa trong cuộc đời, từ hình thể, tính cách, tri thức, kỹ năng cho đến bạn đời. Dĩ nhiên những tiêu chuẩn này sẽ không cùng lúc đạt được ngay lập tức mà sẽ có thay đổi, đánh giá, chọn lựa cho phù hợp với từng thời điểm. Chúng ta không thể tìm kiếm mục đích sống của cuộc đời. Công cuộc tìm kiếm giống như cố gắng lao mình vào một ảo ảnh trên sa mạc. Để có được mục đích sống hay đam mê, chúng ta buộc phải kiến tạo nó. Việc đặt tiêu chuẩn sống cho mình chính là điểm khởi đầu quan trọng nhất để sự kiến tạo có cơ hội xuất sinh.
Bạn không cần chọn xe đạp nếu bạn không có kỹ năng thăng bằng trên 2 bánh. Bạn cũng không cần phải có nhiều tiền nếu khả năng quản lý tiền bạc không vượt quá nổi 10 triệu. Bạn không cần kiếm nhiều tiền báo hiếu nếu bố mẹ mong muốn nhìn thấy bạn hàng ngày. Bạn cũng không cần phải cố gắng vượt bậc nếu những tiêu chuẩn hiện tại đã đáp ứng nhu cầu của mình. Chúng ta chỉ nên nỗ lực nếu hiểu rõ ràng và chắc chắn rằng sự nỗ lực này hướng đến tiêu chuẩn sống nào trong tương lai. Chỉ khi ấy, mọi sự hy sinh ở hiện tại mới trở nên đáng giá và cần thiết.
Nhưng không phải vì nỗ lực mà bạn quên đi một sự thật quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu: bạn cũng là một con người với những cảm xúc rất đời thường, có quyền biết mệt và nghỉ ngơi. Để đảm bảo tương lai sẽ vận hành đúng như mong đợi, Lan cần một chiến lược nghỉ ngơi hiệu quả. Một giờ trôi qua “lãng phí”, một ngày trôi qua “lãng phí” hay một tuần trôi qua “lãng phí” có thể chỉ đơn giản là thông điệp bạn đang thiếu năng lượng để hoàn thành các dự định và cần nghỉ ngơi.
Qua đây tôi hy vọng bạn có thể dũng cảm cho mình nghỉ ngơi mà không phán xét, cho thời gian để tái thiết lại suy nghĩ, tiêu chuẩn, tư duy và cuộc sống của mình cũng như cho bản thân thêm cơ hội để mọi người hiểu, chấp nhận, thấu cảm bạn tốt hơn. Nghèo đói, cô lập hay khinh bỉ có thể là một động lực tốt, nhưng mang đậm màu sắc tiêu cực và đặt gánh nặng lên vai bạn. Hãy cho phép bạn được sống với sự tự do, hạnh phúc và thành công. Chúc bạn sẽ đạt được những tiêu chuẩn sống trong đời mình.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.