Tôi tự tay chuyển tiền cho người cũ của chồng ăn học

By 5 năm ago

Chồng tôi còn qua lại với một cô gái mới ra trường, bị anh lừa dối là chưa có gia đình.

Tôi 25 tuổi, cưới chồng được hơn một năm, đang có bầu bé đầu được 3 tháng. Chồng thương vợ, phụ việc nhà, không nhậu nhẹt, đàn đúm, chăm chỉ làm việc, gia đình chồng rất tốt, nhưng có một lỗi rất lớn là anh lăng nhăng. Tôi phát hiện anh qua lại với người cũ trước khi cưới một tháng, nhưng lúc đó không đủ dũng cảm quyết định, cộng thêm sự hứa hẹn từ chồng và bố mẹ chồng nên không hủy cưới. Sau khi cưới, tưởng anh đã dứt khoát nhưng tôi vô tình phát hiện họ vẫn chưa chấm dứt. Rồi tôi lại biết chồng qua lại với một cô gái mới ra trường, bị anh lừa dối là chưa có gia đình.

Sai lầm của tôi là không mạnh mẽ dứt khoát. Tuần trước, trong lúc dọn dẹp, anh có thái độ khác thường khi tôi định bán bớt đồ cho rộng nhà. Anh vòng vo, không cho bán một thứ giá trị dù chúng tôi không hề dùng. Sau đó, tôi nghi ngờ và nghỉ hẳn một ngày tìm hiểu, rồi phát hiện đó là đồ anh mua cho người yêu cũ. Cô ta đòi, anh mua nhưng chưa chuyển qua vì hình như cô ta đang giận. Vậy là hàng ngày, nó ở trước mặt mà tôi vẫn đinh ninh là đồ của gia đình. Lục lại lịch sử chuyển tiền cho khách hàng của chồng (thỉnh thoảng anh nhờ tôi chuyển), trong đó có một chị là người yêu đầu, anh hỗ trợ chi phí học cho chị đó, và rất xót xa khi chính tay tôi chuyển tiền. Lúc chuyển để tên người nhận là đàn ông, người này nhận hộ nên tôi cứ vui vẻ nghĩ là khách hàng của anh như mọi lần. Giờ đây, tôi hoàn toàn không còn cảm giác sau những việc này, không còn đau khổ như lần đầu phát hiện. Anh có thể chi tiền chu cấp cho cô này cô nọ, trong khi vợ đang mang thai, thì tôi cũng không còn hy vọng gì.

Tôi định nghỉ làm để dưỡng thai, tránh vì áp lực công việc cộng thêm chuyện gia đình mà ảnh hưởng đến em bé, chuyển chỗ, thuê một căn hộ gần bệnh viện để tiện thăm khám, sinh con. Sau đó sẽ thông báo với bố mẹ hai bên. Chắc chắn hai gia đình sẽ khuyên tha thứ vì con. Nhưng chính vì con mà lần này tôi sẽ mạnh mẽ dứt khoát, bởi bé sống trong một gia đình có người cha như vậy sẽ không tốt. Với chút tiền tiết kiệm, tôi hoàn toàn có thể thoải mái không cần lo lắng về tài chính trong 5 năm tới. Tôi độc lập kinh tế với chồng, không có tài sản chung nên cũng không ràng buộc. Trong lúc này, sợ bản thân quyết định không chính xác nên nhờ chuyên gia và mọi người tư vấn giúp hướng giải quyết ổn thỏa nhất. Nếu làm như tôi nghĩ, liệu có phải là phương án tốt cho con hay không?

Dung

Nhà tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa hôn nhân hiện nay với thời phong kiến (đa thê thiếp) là hôn nhân một vợ một chồng. Ở khía cạnh cặp đôi (hai người yêu nhau) đó là không chấp nhận sự chia sẻ bạn tình. Do vậy, khi một người có bạn tình bên ngoài hôn nhân sẽ dẫn đến sự đau khổ, buồn chán, mất hết cảm xúc và mất cả tình yêu.

Hiện nay cảm xúc của bạn là không đau khổ, không buồn, đó chính là sự thất vọng tột độ dẫn đến mất cảm xúc với chồng. Nếu chồng bạn tiếp tục có mối quan hệ với người ngoài, chu cấp tiền và tình cho họ, thì việc bạn chia tay với chồng là điều tất yếu. Bởi rất ít người phụ nữ chịu đựng được cảnh chia sẻ chồng với người khác. Chúc bạn sớm cân bằng cảm xúc và quay trở lại với cuộc sống. 

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Thực ra đàn ông luôn muốn giải phóng sức lực, ức chế bằng những thứ người đời gọi là “tứ đổ tường”. Chồng bạn là người có trách nhiệm với tình địch của bạn, nhưng lại vô trách nhiệm với bạn. Người cũ đòi mua đồ, chồng bạn đáp ứng nhưng chưa chuyển qua vì hình như cô ta đang giận. Đáng tiếc bạn không cho biết món đồ đó cuối cùng được xử lý thế nào. Phương pháp xử lý rất quan trọng, vì nó thể hiện thái độ, tình cảm trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình. Từ việc món đồ, bạn liên hệ và phát hiện chồng hỗ trợ học phí cho người cũ, mà chính bạn là người gửi. Việc chồng bạn qua lại với một cô gái mới ra trường, rồi lừa dối chưa có gia đình là vi phạm đạo đức, nói dối nguy hại, nhưng không thấy bạn đau bằng món đồ giá trị kia và hành động gửi tiền. Vậy thực sự bạn đang muốn bỏ chồng vì điều gì? Đây là vấn đề cần tìm cho ra, nếu không sẽ rơi vào luẩn quẩn.

Bạn nói “giờ đây tôi không còn cảm giác sau những việc này” là việc gì, vì mỗi sự việc đem đến cho bạn một trạng thái tâm lý khác nhau. Việc chồng chu cấp tiền cho người phụ nữ khác làm bạn thất vọng nhất, hay là vi phạm đạo đức? Nếu bạn tôn trọng đạo đức hàng đầu, vậy hãy xử lý để ly hôn. Còn nếu vì chu cấp tiền thì chưa cần phải ly hôn mà nên tính cách khác tốt hơn.

Bạn định tạm thời nghỉ việc dưỡng thai, chuyển chỗ, thuê một căn hộ gần bệnh viện để tiện thăm khám, sinh con. Cách tính này nghe có vẻ kỹ càng, nhưng bạn nên cẩn thận khi ở một mình lúc bụng mang dạ chửa, lúc đó tâm lý của bạn sẽ thế nào? Diễn biến tâm lý phức tạp khi người ta không làm gì, người xưa thường nói “nhàn cư vi bất thiện”. Về tâm lý, khi người ta đang chịu áp lực mà đột ngột thay đổi như người về hưu là khá nguy hiểm. Bạn nói đã tiết kiệm đủ sống 5 năm, cho thấy bạn khá kỹ tính, nhưng bạn chưa tính được lúc ốm, đến ngày sinh… ai sẽ giúp bạn.

Bây giờ bạn hãy bắt đầu nghiêm khắc với chồng, viết một “bản báo cáo” đầy đủ đưa cha mẹ chồng xem và xin ông bà giải quyết. Bạn đừng đưa ra ý mình, hãy để cha mẹ chồng tỏ thái độ với anh ta, còn bạn lúc đó là quan tòa. Nhưng nhớ quan tòa phải có nhà cửa xử án đàng hoàng, không ai đi thuê phòng để xử án. Khi cha mẹ chồng đưa ra kết luận, bạn nói “con nghe cha mẹ nhưng còn anh ấy thì sao?”. Khi cha mẹ chồng đưa ra lời ngăn cấm, lúc đó bạn cầm điều kiện này buộc chồng theo ý mình, vì đã có cha mẹ bên cạnh. Sau đó, bạn đi làm bình thường, chờ khi sinh hãy nghỉ để có bảo hiểm cho cả mẹ và con. Chúc bạn bình tĩnh, khoan dung.

Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 – máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share