Tôi muốn cắt đứt quan hệ với bố vì bị ông đánh

By 5 năm ago

Vì cãi nhau chuyện rất nhỏ nhặt, bố cho rằng tôi có thái độ coi thường và thách thức nên đánh mắng tôi.

Tôi 21 tuổi, đang học tại một trường Đại học tại TPHCM. Hôm trước trong một bữa ăn gia đình, tôi và bố cãi nhau về một chuyện rất nhỏ nhặt. Tôi nói hơi to và giải thích cho bố hiểu nhưng bố nói tôi có thái độ coi thường và thách thức. Bố mắng, đánh và tát rồi xô tôi ngã xuống sàn. Mẹ tôi nhìn thấy như vậy vừa kêu, vừa vào can. Thấy mẹ như thế, tôi càng ấm ức và vẫn bảo vệ ý kiến của mình, rằng tôi không hề có thái độ gì sai trái với bố. Tôi nói mình không hối hận về những lời đã nói. Bố thấy tôi không chịu im mà vẫn cãi thì xông vào đánh mà không hề suy xét về hành động của mình.

Tôi thực sự cảm thấy rất buồn vì đây không phải là lần đầu tiên, chẳng lẽ nói lên suy nghĩ thì bị cho là mất dạy, vô học? Hiện tại tôi vẫn cảm thấy đau đầu vì trận đánh hôm đó. Tôi muốn viết cho bố một bức thư giãi bày nỗi khổ tâm bao lâu và nói mình không muốn có quan hệ gì với người bố như vậy nữa. Tôi không biết có nên làm vậy không, nhưng tôi không thể đối mặt với bố, rất khó để tôi bỏ qua được chuyện này và làm lành với bố. Tôi không biết làm gì để bố hiểu và chấp nhận được tính cách của ông. Trong lòng tôi luôn không phục và bất mãn với người bố như vậy. Tôi mong nhận được những lời góp ý và giải pháp của chuyên gia và mọi người về hoàn cảnh của mình. Tôi xin cảm ơn.

Liên

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào bạn Liên,

Rất tiếc bạn không cho biết bố bạn làm nghề gì, học vấn và cương vị xã hội thế nào nên tôi không đoán được trạng thái tâm lý của bố bạn có vấn đề gì không. Bố bạn mắng, đánh và tát rồi xô ngã bạn là hành vi bạo hành con cái. Đây là việc pháp luật không cho phép, tức là bố bạn đã rơi vào hành vi vi phạm luật. Tuy nhiên luật chỉ tính đến hành vi vi phạm pháp luật, không suy xét về suy nghĩ. Bạn có nghĩ xấu đến bao nhiêu cũng không vi phạm pháp luật, tuy nhiên chỉ cần một chút suy nghĩ không tốt thì đã vi phạm đạo đức. Vì thế, việc bố bạn bạo lực với bạn cần xem xét hai khía cạnh: một là có trạng thái tâm lý bất ổn, hai là dồn nén về tư tưởng gây ra “sốc hành vi”.

Về mặt tâm lý, bạn là người có học thì nên hiểu, khi người ta có vấn đề về tâm lý thì mình cần làm gì. Ăn hơn ăn thua với người có bệnh về tâm lý thì ta còn “bệnh” hơn. Về mặt dồn nén tâm lý thì bạn phải xem lại, có phải bạn cậy mình học đại học, có hiểu biết hơn bố nên ra giọng trạng nguyên không? Hành vi của bạn có thể làm cho bố bạn bị dồn nén tâm lý. Nếu người cha có chút gia trưởng thì nhất định sẽ hành động bạo lực, vì người gia trưởng không thích nói nhiều và luôn luôn rõ ràng. 

Trong tình huống cụ thể “Hôm trước trong một bữa ăn gia đình, tôi và bố cãi nhau về một chuyện rất nhỏ nhặt. Tôi nói hơi to và giải thích cho bố hiểu nhưng bố nói tôi có thái độ coi thường và thách thức”. Đây là vấn đề của nguyên nhân. Người thông minh ngăn chặn việc sai từ nguyên nhân, còn người kém hơn thì việc xảy ra mới đi chữa cháy. Bạn xem thử mình có bình thường khi cãi nhau với bố không? Đây là vấn đề bạn cần phải làm sáng tỏ.

Về nguyên tắc đạo đức, cãi nhau với bố là sai. Người trong cuộc thường không nhận ra mình sai, nếu tự nhận ra được thì họ đã điều chỉnh hành vi, thái độ trong giao tiếp ứng xử. Giao tiếp ứng xử không có kẻ thắng người thua. Bạn đang bảo vệ ý kiến của mình rằng “tôi không hề có thái độ gì sai trái với bố” là chủ quan, vì bạn đã nói ở trước “tôi và bố cãi nhau về một chuyện nhỏ nhặt”. Chuyện nhỏ nhặt mà đem ra cãi nhau với bố là hỗn. Bạn cần xem lại tâm lý của mình xem có vấn đề gì không? Chỉ vì chuyện nhỏ nhặt mà cãi nhau với người bố đã nuôi mình, thì bên ngoài vì chuyện nhỏ nhặt bạn có cãi nhau không? Bỏ qua chuyện nhỏ để lo chuyện lớn, khi đủ sức lo chuyện lớn thì không quên chuyện nhỏ. Còn nếu chưa đủ sức lo chuyện lớn, cứ dính vào chuyện nhỏ thì đâu còn thời gian, tâm trí lo chuyện lớn. Người đi xa cũng vậy, muốn đi xa thì phải nhẹ gánh, cuộc đời gánh đủ thứ lại gánh cả việc “tự phiền hà” thì đi không xa được.

Bạn hãy về thăm hoặc gọi điện về xin lỗi bố và đây là bài học đắt giá nếu bạn muốn trưởng thành.

Chúc bạn biết trước sau.

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 – máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share