Tôi có ngoại hình khá ưa nhìn dù không cao lắm, nên có vài người theo đuổi kiểu ngoại tình nơi công sở.
Tôi đã ngoài 30 tuổi, có gia đình và 2 cháu nhỏ, hiện công tác tại một cơ quan nhà nước. Tôi không cao lắm nhưng ngoại hình khá ưa nhìn, nên có vài người theo đuổi, dù các thông tin về gia đình tôi đều công khai và không hề đưa đẩy. Khi tôi chủ động phản ứng rõ ràng, họ đã rút lui, nhưng hiện tại có một người khiến tôi không biết nên xử sự thế nào. Người đó là lãnh đạo, không phải sếp trực tiếp tại cơ quan mà là sếp trên tỉnh, chủ động điện thoại cho tôi và hẹn gặp. Tôi chưa biết nên từ chối khéo thế nào, vì còn giao tiếp trong công việc và không muốn bởi chuyện này mà bị gây khó dễ. Mong chuyên gia và mọi người cho tôi lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn.
An
GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào cháu An,
Ngoại hình ưa nhìn không phải là tội nhưng cũng khiến kẻ khác đi đến phạm tội. Việc cháu công khai các thông tin về gia đình và không đưa đẩy là chưa đủ để tự vệ. Cháu có ngoại hình ưa nhìn là may mắn, người khác có muốn cũng không được, nhưng có khi nào cháu nghĩ trong chốn quan liêu thì sắc đẹp cũng là điều bất hạnh. Có những người lên chức nhờ sắc mà mất việc cũng vì sắc. Khi có ngoại hình ưa nhìn, nếu cháu ngụy trang đi một chút như hơi quê mùa, không son phấn,… thì sẽ yên ổn hơn, nhưng hình như cháu chưa nghĩ tới việc này. Còn việc cháu công khai về gia đình là ở góc độ nào? Kẻ gạ tình không cần đếm xỉa đến gia đình của đối tượng, nhất là người làm cho họ “thèm khát”. Cháu chỉ cần cho mọi người biết chồng mình ghen kinh khủng, luôn theo dõi từng hành vi của vợ, hoặc công khai rằng cháu rất sợ chồng, nếu chồng biết cháu qua lại với ai khác thì…. Điều này sẽ giúp cháu thêm tấm khiên để che chắn hạnh phúc của mình, điều kiện tự vệ khi bị gạ tình chính là sự khôn ngoan.
Cháu gặp rắc rối vì còn giao tiếp trong công việc, người đó đang dùng quyền để ép tình. Trong tình thế này những gợi ý ở trên có thể không hiệu quả, cháu có thể giả ốm, đi khám bệnh và đưa tin về một chứng bệnh nào đó để từ chối gặp. Sau khi đưa tin đau ốm, cháu chuyển sang lo lắng và sắm vai “Thị Nở” để làm họ chán. Nếu không, cháu hãy báo cáo với lãnh đạo trực tiếp và xin chuyển sang công việc khác. Còn nếu cháu mạnh mẽ, hãy xin gặp cấp trên của ông ta trình bày rõ sự việc. Trong lúc này, khi chưa chọn được cách nào cháu nên dùng kế hoãn binh, lấy lý do con ốm, việc đột xuất… để tính toán chính xác và chọn quyết định phù hợp. Cháu cũng nên chia sẻ với một vài người bạn gái thân, “tam ngu thành hiền” mà.
Chúc cháu khôn ngoan, khéo léo.
Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 – máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)