Cứ nóng lên mẹ lại mắng chửi cháu nặng nề

By 5 năm ago

Cháu muốn mẹ hãy nói chuyện nhẹ nhàng thì mẹ lập tức nói: “Mày muốn ngồi lên đầu tao à, làm bà nội tao đi”. 

Nhiều lần mẹ đã nóng nảy với cháu, mỗi lần nóng mẹ lại chửi tục và nói cháu rất nặng nề. Chắc mẹ không để ý chứ cháu tổn thương rất nhiều. Có lần cháu bị điểm kém, rồi những lúc cháu mệt nên không trả lời được rõ ràng những điều bạn mẹ cháu hỏi, vì thế lại bị mẹ chửi. Cháu tổn thương quá không chịu nổi đã khóc, mẹ lại càng làm tới bằng cách gọi điện thoại cho bà ngoại khiến bà hiểu lầm và lại chửi cháu.

Bà cũng không thương cháu, chỉ thương em họ của cháu thôi. Nhiều lần chuyện xảy ra như vậy cháu chỉ biết khóc rồi bất lực. Có lần cháu nói với mẹ rằng mẹ hãy nói chuyện nhẹ nhàng với con được không, mẹ cháu lập tức nói “mày muốn ngồi lên đầu tao à, làm bà nội tao đi”. Cháu rất muốn kiên cường để không khóc mỗi lần nói chuyện với mẹ, cháu phải làm sao đây?

Huyền

TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN gợi ý:

Chào cháu,

Cháu không nói mình bao nhiêu tuổi nên chú hơi khó tư vấn cách ứng xử phù hợp. Chú chỉ đoán cháu đang ở tuổi vị thành niên và như vậy, điều cháu làm sẽ không được nhiều. Chú có cảm nhận mối quan hệ giữa cháu và mẹ đã trở nên xa cách từ lâu. Mẹ dường như đã có định kiến hoặc gán cho cháu là đứa trẻ hư, nghịch ngợm nên chỉ chú ý đến những điểm tiêu cực của cháu, mà không nhận ra những lúc cháu cố gắng làm tốt mọi việc.

Cháu nên nói chuyện này với một người lớn có trách nhiệm và có thể đứng về phía cháu, thầy hoặc cô giáo của cháu chẳng hạn. Sau đó thầy/cô giáo hẹn gặp mẹ cháu với lý do cùng giúp cháu tiến bộ. Chú tin là khi gặp, thầy cô sẽ tư vấn cho mẹ cháu về những khó khăn liên quan đến sự phát triển sinh lý lứa tuổi của cháu, đồng thời cũng chỉ rõ ưu điểm của cháu cho mẹ thấy. Cháu có thể tham gia buổi gặp đó vào một thời điểm thích hợp để chia sẻ những cảm nhận, mong muốn của mình với mẹ trước sự chứng kiến của thầy cô. Nếu cần thiết, hãy nói với thầy cô và mẹ rằng cháu muốn được hỗ trợ tâm lý. Những chuyên gia tâm lý sau khi nghe câu chuyện của cháu sẽ biết cần phải làm gì để giúp mẹ cháu có những kỹ năng làm cha mẹ tích cực.

Trong thời điểm hiện tại, cháu hãy tận dụng các cơ hội để kéo gần khoảng cách tình cảm giữa hai mẹ con.

– Đầu tiên hãy lắng nghe nghiêm túc lời phàn nàn của mẹ, thể hiện rằng mình tiếp thu và chấp nhận một số điểm. Ví dụ như cháu nói “Mặc dù hôm nay con hơi mệt, nhưng mẹ mắng việc con không trả lời cô bạn mẹ là con sai”. Cháu cũng có thể nhắc lại những lời chỉ trích của mẹ theo cách tích cực hơn. Ví dụ mẹ nói “mày là cái đồ lười chảy thây chảy thối” thì cháu có thể nhắc lại “mẹ đang nhắc nhở con cần phải chăm hơn ạ”. Cách thức này thể hiện cháu lắng nghe kỹ lời mẹ mà cũng không cảm thấy bị tổn thương nhé.

– Đến khi nào mối quan hệ mẹ con trở nên gần gũi hơn cháu mới đưa ra những đề nghị với mẹ. Cháu cần xem thời điểm nào mẹ cảm thấy thư giãn và có thời gian để nói chuyện. Và quan trọng nhất là thái độ và cách nói của cháu. Ví dụ cháu có thể nói: “Mẹ ơi, mỗi lần mẹ quát làm con cứ cuống hết cả lên, không nhớ được cần làm chuyện gì nữa. Mẹ cứ nhẹ nhàng con sẽ nghe lời ạ”.

Chúc cháu thành công nhé.

Muốn được TS.Trần Thành Nam tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 – máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share