Sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức, sự phát triển nhân cách, tâm lý và thái độ sống của bé ngay từ những năm tháng đầu đời. Để giúp con, bố mẹ hãy thử áp dụng những thay đổi nhỏ dưới đây:
1. Đừng dùng ngôn từ thô tục
Nên nói với trẻ “Đi vệ sinh”, chứ đừng bao giờ nói “Đi ỉa, đi đái đi” bô bô trước mặt người khác. Trẻ đánh bủm cũng không nên nhận xét bàn tán…
2. Đừng dùng những cụm từ tiêu cực như đối phó với trẻ
Đừng nói với con những lời lẽ như: ăn vạ, quấy, lười học, chậm như sên… mà hãy luôn chọn từ ngữ tích cực khi nói chuyện với con, nói về con. Trẻ không phải là kẻ thù để phải đối phó. Trẻ không ăn vạ mà là đang thể hiện chính kiến của mình. Trẻ không lười học mà vì học theo cách không phù hợp thì trẻ làm sao thích được.
3. Đừng bàn luận hay nhận xét trẻ
“Con bé nhà em lười ăn khổ lắm”; “Thằng nhà em yếu lắm hơi tí là lăn ra ốm”; “Nó nghịch như giặc không ai trông được đâu”; hay phổ biến nhất là các bé bị nhận xét hư. Cứ không theo ý người lớn là thành hư chứ không ai hiểu trẻ chỉ đang thử thách các biên giới xung quanh mình xem có đúng là cần phải thế hay không… Bạn có muốn bị ai miêu tả như thế không?
Chúng ta nếu có khuyết điểm thì cũng không thích ai mang mình ra bình luận với người khác như vậy. Thế nhưng chúng ta lại thường làm vậy với con mình – những đứa trẻ không có khả năng tự bảo vệ.
4. Đừng dùng câu hỏi hay câu phủ định
Tưởng tượng xem nếu con bạn đang cầm một bình hoa, và bạn cứ ra rả "Đừng làm vỡ cái bình" thì kết quả rất dễ xảy ra là "Keng" – chiếc bình vỡ tan. Nhưng nếu bạn nói "Con hãy giữ cái bình cẩn thận nhé", bạn đã giúp trẻ hình dung được việc giữ bình cẩn thận và trẻ sẽ làm theo.
Tương tự vậy, thay vì “Sao lại đổ nước ra sàn như thế?” thành “Nước này là để uống con à”; “Sao cứ gào toáng lên thế?” thành “Con hãy khẽ thôi nhé, nói to là mất lịch sự đấy con ạ”…, bạn sẽ giúp trẻ biết nghe lời hơn.
5. Đừng ra lệnh
“Không được đánh bạn. Bố nói con có nghe không?” thành “Đánh bạn là không đúng”. “Con chào các cô các bạn đi rồi về. Người lớn nói thì phải nghe chứ” thành “Khi về bao giờ mình cũng chào tạm biệt mọi người con à”…
Khi nói như thế, bạn gợi ý cho trẻ tự hiểu vấn đề, không phải là con bị người lớn bắt làm theo ý mình. Sau này bé cũng biết cách cư xử khi tham gia vào các cộng đồng, biết tôn trọng mọi người chứ không áp đặt những người ít tuổi hơn mình.
** Cứ như thế, suốt những năm còn bé, sử dụng ngôn ngữ tích cực với bé là cách bố mẹ thể hiện sự tôn trọng con, giúp bé học cách tôn trọng mọi người và hình thành thái độ sống tích cực ngay từ nhỏ. Cùng lúc, bố mẹ đã giúp trang bị các kỹ năng là lợi thế cho bé suốt cả cuộc đời sau này trong cuộc sống riêng cũng như khi tham gia vào xã hội.