Lần đầu tiên về thăm nhà bạn trai, em cảm thấy mình không được ai chào đón.
Em và người yêu quen nhau được hơn nửa năm, dù biết nhà anh khó khăn, ba mẹ ốm yếu, bệnh tật liên miên, 4 anh chị em chưa ai lập gia đình, còn một em gái nhỏ đang học cấp 3. Anh rất thương yêu em, quan tâm chăm sóc chu đáo, có tinh thần cầu tiến cao, luôn muốn tạo ra kinh tế để lo lắng cho tương lai. Em cũng rất thương anh ấy, dù bị gia đình ngăn cản vì không muốn tương lai em phải khổ. Em vẫn chưa quyết định nên làm gì, nên cứ yêu anh vậy thôi, thời gian sẽ trả lời việc 2 đứa có thành đôi hay không.
Tuy nhiên, lần đầu tiên về thăm nhà anh, em cảm thấy mình không được ai chào đón. Trước giờ em được sống trong sự yêu thương của mọi người xung quanh, dẫu biết lấy anh sẽ sống với anh, nhưng cảm giác mình không tồn tại trong gia đình người ta khiến em rất hụt hẫng. Tuy anh là người phải cáng đáng, lo toan mọi thứ trong gia đình nhưng ít được ba mẹ thương, em không biết tương lai của 2 đứa rồi sẽ đến đâu. Em có công việc tốt, yêu anh nhiều và muốn xây dựng mái nhà chung, nhưng không biết những khó khăn và khoảng cách này có dẫn đến mâu thuẫn khi thành đôi không nữa? Xin hãy tư vấn giúp em.
Thủy
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành gợi ý:
Thuỷ mến,
Chị nhận thấy em là một cô gái tốt bụng, coi trọng tình cảm, quý trọng con người, thấu hiểu cảm xúc của bản thân và sớm biết suy xét trước sau. Bất chấp nhiều khác biệt và ngăn trở, em đã dành cho bạn trai một tình cảm chân thành, điều đó rất đáng trân quý. Tình yêu là yếu tố cần có để đi tới hôn nhân nhưng chưa đủ. Để 2 người tiến tới hôn nhân hạnh phúc bền vững, họ cần đảm bảo những yếu tố sau:
– Yêu nhau
– Sức khoẻ thể chất và sức khoẻ sinh sản
– Khả năng tạo dựng kinh tế chăm lo cho gia đình
– Những giá trị sống cốt lõi tương đồng
– Văn hoá sống tương đồng hoặc có thể dung hoà
Các cụ xưa cho rằng “Môn đăng hộ đối”, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” cũng có lý, bởi những người có cùng hoàn cảnh sống thì dễ cùng giá trị, văn hoá sống. Đó là 2 thứ quyết định rất lớn đến sự tương tác giữa người với người, từ đó ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa vợ với chồng và các thành viên khác trong gia đình, họ hàng nhà chồng và ngược lại. Điều này càng trở nên quan trọng hơn ở Việt Nam, vì văn hoá sống chung, cộng đồng là chủ yếu. Mối quan hệ giữa bố mẹ chồng với nàng dâu là một yếu tố quan trọng, quyết định tới chất lượng mối quan hệ vợ chồng, cho dù họ sống chung hay riêng. Để mối quan hệ đó được tốt, trước tiên, họ phải có thiện cảm với nàng dâu tương lai. Thiện cảm lúc đầu đến từ việc họ thấy nàng dâu đó cũng giống mình, kính trọng mình hoặc chính là người họ chọn.
Nàng dâu tương lai được cha mẹ chồng chọn thường dễ dàng hơn trong cuộc sống hôn nhân bởi họ thấy cô ấy phù hợp với gia đình họ, hoặc thích điều gì đó ở cô ấy. Đến lúc sống chung, dẫu có gì không hay, họ cũng phải cố chấp nhận hoặc biện minh cho nàng dâu để thấy rằng lựa chọn ban đầu không hề sai. Đây là tâm trí đang tự đánh lừa bản thân để nguyên tắc nhất quán giữa tiềm thức và ý thức được đảm bảo. Chỉ người thấu hiểu tâm lý và con người mới có thể không bị như vậy. Với những trường hợp ngược lại, bố mẹ chồng sẽ “vạch lá tìm sâu” để tìm ra những thứ không đủ tốt ở con dâu, bằng chứng cho thấy họ đã đúng ngay từ đầu.
Em gặp thử thách lớn khi gia đình người yêu và em khác biệt, lại không được họ chào đón, không chút thiện cảm nào. Nếu 2 em cố gắng vượt qua tất cả khó khăn để đến với nhau, thì vẫn có thể gây ra những mâu thuẫn, xung đột ngầm giữa em và chồng, giữa gia đình chồng và em. Chồng có thể rất yêu em nhưng sẽ bị giằng xé giữa tình cảm gia đình ruột với vợ. Em hãy hiểu rằng, những khác biệt về văn hoá, nếp sống, thói quen tư duy, hành xử không chỉ là giữa gia đình chồng với em, mà còn giữa chồng và em. Chồng em sẽ mang trong mình một phần hoặc tất cả những gì đã hấp thụ từ môi trường sống – giáo dục gia đình từ nhỏ đến lớn – khi sống cùng em. Anh ấy có thể vì em mà thay đổi nhưng cũng có thể vì thấy những cái mới tốt hơn mà thay đổi. Em cũng cần biết rằng “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, rất ít người có thể lập trình thành công lại tiềm thức, tính cách của mình, những gì ăn sâu vào trong tiềm thức từ nhỏ rất khó để thay đổi. Vì vậy, em không nên kì vọng quá kẻo lại phải thất vọng.
Thêm nữa, với gia cảnh như vậy, người yêu em sẽ phải gánh vác rất nhiều cho gia đình, và khi thành gia lập thất, sẽ là cả 2 vợ chồng cùng nhau gánh vác. Có lẽ em cũng đã nghĩ đến điều này rồi, phải không? Nếu chưa, thì em nên xác định trước để sau này đỡ xích mích vì những việc không tránh được.
Thuỷ mến, kết hôn là một trong 3 việc quan trọng nhất của đời người. Vì vậy, mong em cẩn trọng và bình tĩnh suy xét cho hợp tình hợp lý. Hãy đọc hết những điều trên rồi lắng nghe con tim mình lên tiếng. Nếu em cảm thấy còn e ngại, không chắc chắn, hoặc có dự cảm nên dừng lại, thì không nên tiến tới hôn nhân với bạn trai. Trân quý tình cảm đó và thời gian 2 em đã dành cho nhau, cho mình cơ hội tìm một người yêu phù hợp hơn để đi đến hôn nhân.
Nếu em cảm thấy vẫn muốn đi với anh ấy suốt cuộc đời, bất chấp sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn về gia đình, mối quan hệ, lối sống, tư duy, kinh tế, cách giáo dục con sau này… Nếu em cảm thấy bạn trai đáng tin tưởng, yêu mình chân thành và có thể che chở, và tin vào một tương lai tốt đẹp mà 2 em cùng gắng sức vun đắp, em cảm thấy không thể sống thiếu anh ấy, thì hãy dũng cảm tiến tới. Sức mạnh của tình yêu và sự thấu hiểu sẽ giúp các em vượt qua khó khăn.
Quan trọng là trước khi em có một quyết định rõ ràng, hãy gìn giữ đừng để mang thai ngoài ý muốn, nó có thể dẫn em đến một quyết định sai lầm.
Chúc em có một lựa chọn khôn ngoan.
Muốn được chuyên gia Trần Kim Thành tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 – máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)