Mẹ chồng không đồng ý cho tôi về trông nhà giúp mẹ đẻ

By 5 năm ago

Mỗi lần về nhà, chồng tôi mặt mày bí xị, mệt mỏi kiểu như không muốn ở nhà vợ.

Vợ chồng tôi kết hôn được 4 năm, chưa có con và vẫn ở với mẹ chồng. Chồng tôi làm việc gần nhà, còn tôi làm cách nhà 20km, sáng đi tối về. Gần đây, bố mẹ đẻ tôi đi làm ăn xa, vắng nhà nên muốn hai vợ chồng xuống ở. Nhà đẻ cách nhà chồng tôi 500m. Nhà chồng khá chật chội, vậy mà xin mẹ chồng thì bà không đồng ý, còn nói với chồng, anh miễn cưỡng nghe theo. Anh chồng tôi ở cạnh, chung đất nhưng ăn riêng. Mỗi lần về nhà, chồng tôi mặt mày bí xị, mệt mỏi kiểu như không muốn ở nhà vợ. Mà ở nhà chồng, anh nhất định không cho ăn riêng. Con dâu mẹ chồng ăn uống khác nhau nên rất mệt mỏi. Tôi thấy ngột ngạt quá, định chuyển đi xa ở một mình để chồng sống với mẹ cho thoải mái. Mong chuyên gia và độc giả cho tôi xin lời khuyên.

Thái

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào bạn Thái,

Việc của bạn xuất phát từ “Gần đây bố mẹ đẻ tôi đi làm ăn xa, vắng nhà nên muốn hai vợ chồng xuống ở”. Đây là điều bố mẹ đẻ bạn muốn chứ không phải từ ý muốn của bạn. Bất cứ cái gì từ ý muốn của người khác thì bạn cũng nên cân đối với hoàn cảnh thực tế của mình. Cũng từ điều này mới phát sinh lý do là nhà chồng khá chật chội. Trong khi đó, vợ chồng bạn kết hôn được 4 năm, cũng là quãng thời gian không ngắn các bạn sống trong sự chật chội đó. Đây là phát sinh tâm lý của bạn do hoàn cảnh mới tạo ra, như người ta thường nói: hoàn cảnh phát sinh tâm lý. Nếu là người tự chủ sẽ ít bị lệ thuộc vào hoàn cảnh. Bạn hãy thử xem lại tâm lý của mình ở nhóm nào. Điều này rất quan trọng vì nó giúp bạn tự đánh giá về tâm lý của mình, từ đó đưa ra sự điều chỉnh, phấn đấu, phát huy bản thân trong cuộc sống.

Điều khiến bạn mệt mỏi là “xin mẹ chồng nhưng bà không đồng ý” trong khi nhà đẻ cách nhà chồng 500m. Vậy bạn về nhà mẹ đẻ để trông nhà giúp một thời gian hay ở hẳn? Hai việc này hoàn toàn khác nhau về bản chất. Nếu về trông giúp nhà cho bố mẹ đẻ thì thời gian là bao lâu, còn ở hẳn thì nhà đó thuộc quyền sở hữu của ai? Ông bà cho vợ chồng bạn, cho ở nhờ hay về trông coi giúp là vấn đề cần phải rõ ràng, nếu không sẽ rất khó giải thích cho việc “hai vợ chồng xuống ở”.

Thực ra bạn nên hiểu rằng chồng bạn có nhà để ở, nhưng vì thương yêu vợ nên mới miễn cưỡng nghe theo. Anh ấy có phần tự chủ hơn bạn nhưng lại yếu lòng với vợ. Đây là người chồng tốt và có trách nhiệm. Việc anh ấy chỉ miễn cưỡng đồng ý với bạn và không muốn ăn riêng cho thấy anh ấy và mẹ có tình cảm tốt. Vì thương mẹ trong khi lại nghe vợ nên nên tâm lý chồng bạn bất ổn, thể hiện ở mỗi lần về nhà, anh ấy mặt mày bí xị, mệt mỏi. Mệt mỏi ở đây không phải là không muốn ở nhà vợ, mà là nghĩ đến mẹ mình. Một người con trai có hiếu không chỉ thỏa mãn bản thân, một người chồng thương vợ không thể không thông cảm cho vợ vì sự hợp lý nhất định. Hợp lý là nhà bố mẹ đẻ bạn rộng, không có người sao phải ở nhà chật. Sự vô cảm là để mẹ ăn một mình. Giữa thương và hiếu giằng co sinh ra mặt mày bí xị. Việc chồng bạn không cho ăn riêng cho thấy tình cảm của anh ấy dành cho mẹ mình.

Bạn thấy con dâu mẹ chồng ăn uống khác nhau nên rất mệt mỏi là trạng thái tâm lý thiếu hòa đồng trong tình cảm. Bạn không vượt qua được tâm lý này nên thấy ngột ngạt; mất kiểm soát tâm lý bản thân nên định chuyển đi xa ở một mình để chồng sống với mẹ cho thoải mái. Đây là hiện tượng tâm lý tiêu cực khi người ta mất đi năng lực điều chỉnh tâm lý khi sống chung với người khác. 

Trong trường hợp này, bạn thực sự chẳng phải mệt mỏi nếu thương yêu chồng nhiều và biết kính trọng mẹ chồng, còn những cái khác đều có thể từ từ điều chỉnh, như làm thức ăn riêng cho mẹ, vui vẻ với mẹ… Lúc đó, chồng bạn sẽ thương bạn hơn và anh chồng bạn cũng phải nể. 

Chúc bạn vui vẻ.

Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 – máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked*

Share