Hiện tôi luôn có tư tưởng muốn giải thoát cho nhau, để chồng có thể tìm được người vợ ưng ý.
Tôi và chồng quen nhau khi làm chung công ty, yêu 3 năm rồi cưới. Tôi hơn chồng 4 tuổi, khi cưới cũng là lúc con tròn 8 tháng tuổi. Nhà chồng ngăn cấm nhiều vì tuổi tác, còn gia đình tôi không hay biết gì cho tới khi còn một tuần là tôi sinh. Đám cưới là bất đắc dĩ khi sự đã rồi. Thực lòng tôi luôn có suy nghĩ nuôi con một mình, không vì có con mà bắt ép chồng cưới mình, tuy nhiên anh đã nói chuyện với gia đình. Giờ con sắp tròn 2 tuổi, tôi đang mang bầu bé thứ 2 được 8 tháng.
Một năm nay chồng tôi không có thu nhập, anh nghỉ việc sau khi hai vợ chồng vay mượn mua nhà một tháng. Tôi vẫn động viên chồng đi làm kể cả lương thấp, miễn sao tâm lý thoải mái và không bao giờ động chạm đến chuyện tiền bạc. Sau khoảng 5 tháng nghỉ việc, anh hùn vốn với một người quen mở công ty, hiện chưa có doanh thu. Mọi chi phí ăn uống, con cái, nội ngoại hai bên là tôi lo. Chúng tôi có khoản nợ lớn từ tiền mua nhà và vay vốn mở công ty. Tính sơ mỗi tháng tôi sẽ phải làm ra 3-4 triệu tiền trả lãi ngân hàng, chưa tính gốc; 4 triệu thuê giúp việc khi sinh; 3 triệu cho con đi học; tiền ăn uống sinh hoạt hàng tháng khoảng 6 triệu. Tôi sợ không thể làm ra đủ số tiền cần chi. Thời gian sinh bé, mọi công việc sẽ bị ngưng trệ, thu nhập không có. Lúc nào tôi cũng lo sắp tới phải xoay sở thế nào. Tôi gần như bị stress khi nghĩ đến tiền, chưa kể đến việc đòi hỏi chồng phụ giúp việc nhà khi mình bầu bí mệt mỏi.
Hôm nay, chúng tôi cãi nhau về chuyện chi phí phải lo sắp tới. Tôi nói một năm qua tiền làm ra chỉ đủ chi tiêu, không dư được đồng nào dự phòng. Cuối năm vừa rồi, chồng tôi có khoản thu nhập 50 triệu ngoài, nhưng mới nhận được 25 triệu. Tôi dùng trả nợ một phần khoản vay cho chồng hùn vốn mở công ty. 5 triệu còn lại chồng mua điện thoại về chơi game không nói với tôi. Chồng cho rằng tôi bảo anh ăn bám, 50 triệu anh kiếm được đủ để anh ăn cả năm rồi, mỗi ngày anh chỉ tốn tiền ăn không đáng bao nhiêu.
Trong cuộc sống hàng ngày, chồng không giúp đỡ chia sẻ việc nhà, mặc định vợ làm, ngay cả khi tôi bị động thai. Chồng nói cả ngày phải đi làm mệt mỏi mà vợ lúc nào cũng bắt rửa bát, đàn ông thế thì còn làm nên trò trống gì (công ty chồng cách nhà vài bước chân, anh ngồi làm văn phòng thì nhẹ nhàng hơn tôi nhiều). Tôi bán hàng online, hàng ngày lấy hàng, tư vấn cho khách, đóng rồi gửi hàng có khi đến tối muộn, lúc nào cũng thấy mệt mỏi, kiệt sức. Yêu cầu của tôi rất đơn giản là chồng chia sẻ việc nhà với mình. Anh nói các bà vợ khác vẫn vừa đi làm, vừa lo việc nhà, còn tôi lười không làm được như họ nên đừng đòi hỏi chồng hơn nữa. Hiện tôi luôn có tư tưởng muốn giải thoát cho nhau, để chồng có thể tìm được người vợ ưng ý. Tôi chỉ muốn thời gian quay lại khi hai mẹ con có nhau. Xin chuyên gia và độc giả cho tôi biết tôi có quá đáng khi đưa ra yêu cầu như vậy không?
Thoa
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:
Chào Thoa,
Nhiều đàn ông Việt Nam vẫn còn suy nghĩ rằng tất cả những việc liên quan đến sắp xếp, tổ chức gia đình, nuôi dạy con cái, nội trợ,… là việc của phụ nữ. Trong khi đó, xã hội bây giờ, phụ nữ cũng ra ngoài “săn bắn hái lượm” như đàn ông, nhưng khi về nhà lại tiếp tục làm việc nhà thì họ sẽ cảm thấy kiệt sức.
Trong thư ta thấy được một vấn đề, đó là bạn hơn chồng 4 tuổi. Có thể chồng bạn trẻ hơn nên còn rất vô tư vô tâm, thậm chí sâu trong suy nghĩ, anh ta cho rằng mình được quyền hưởng thụ sung sướng vì vợ già hơn mình, được mình lấy là may mắn, vậy nên phải chăm sóc, lo cho mình, lụy tình với mình hơn. Bởi cách cư xử của chồng như vậy khiến bạn uất ức, bất mãn, thậm chí muốn ly hôn.
Bạn nên ngồi nói chuyện rõ với chồng một lần hết sức nghiêm túc, cảnh cáo rằng: bạn đã kiệt sức; anh ta vô tâm, ích kỷ như thế nào khi không lo cho kinh tế gia đình, vừa mua nhà trả góp, anh ra lại đòi mở công ty và thêm một khoản nợ trong khi chưa biết lời lỗ thế nào; trên vai bạn gồng gánh nhiều trách nhiệm, lại sắp sinh con, stress thế này rất dễ khiến bạn bị trầm cảm sau sinh. Bạn cũng nên nói rõ luôn rằng anh không giúp được nhiều về kinh tế thì trước mắt nên đỡ đần việc nhà, nếu anh không thay đổi, cuộc hôn nhân này có lẽ không thể tiếp tục duy trì.
Nếu anh ta còn muốn giữ gia đình thì phải tỉnh ngộ và thay đổi dần. Còn bạn đừng ngại ngùng hay tự ru ngủ bằng cách cố chịu đựng, không nói ra, rồi đến khi không chịu được và nói ra thì lại nói trong lúc tức giận, như vậy sẽ không có hiệu quả. Hãy chỉ nói chuyện khi bản thân bình tĩnh nhất, đó nên là cuộc trao đổi có sự chuẩn bị trước, nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, quyết đoán.
Gọi điện cho biên tập viên theo số 09 6658 1270, để đăng tải chia sẻ của bạn trên Tâm sự.